Bình Dương chính thức đưa Tân Uyên lên thành phố

TP Tân Uyên sẽ là thành phố thứ 4 của tỉnh Bình Dương, với tổng diện tích gần 192 km2, gồm 10 phường, hai xã, dân số 466.000 người.

Một góc TP Tân Uyên. (Ảnh: Zingnews)

Theo Cổng TTĐT tỉnh Bình Dương, ngày 10/4, Nghị quyết số 725 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực, TX Tân Uyên chính thức trở thành TP Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.

TP Tân Uyên được thành lập trên cơ sở toàn bộ gần 192 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 466.053 người của TX Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.

TP Tân Uyên giáp các TP Dĩ An, Thủ Dầu Một, Thuận An, TX Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Sau khi thành lập, Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường: Hội Nghĩa, Khánh Bình, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân và hai xã Bạch Đằng và Thạnh Hội.

TP Tân Uyên là địa bàn quan trọng của tỉnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành như công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Trên địa bàn thành phố có hệ thống giao thông đối ngoại, giúp việc giao thương, vận chuyển hàng hóa luân chuyển đi các tỉnh, thành phía nam; có cảng Thạnh Phước là cảng sông đầu tiên của thành phố, mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực logistics.

Trong những năm qua, Tân Uyên luôn đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,57%/năm, trong đó ngành công nghiệp phát triển dẫn đầu.

Hiện nay, Tân Uyên có hai khu công nghiệp, ba cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký khoảng 32.560 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 5.297,55 triệu đô la Mỹ.

Cơ cấu kinh tế công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% - 34,6% - 1,23%. Năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 32.996 tỷ đồng, tăng 12,08% so với cùng kỳ năm 2021.

Tân Uyên đang có hai dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore lớn nhất Bình Dương và cả nước là VSIP II có quy mô 2.045 ha và VSIP III quy mô hơn 1.000 ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng. Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã chính thức động thổ dự án xây dựng nhà máy tại đây với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đô la Mỹ.

Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển, giá trị ước đạt 17.795 tỷ đồng, tăng 23,15% so với cùng kỳ năm 2021. Nông - Lâm nghiệp không chiếm tỷ trọng cao nhưng tiếp tục tăng giá trị sản xuất 2,91% so cùng kỳ năm 2021, đạt 636 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2025, Tân Uyên xác định quan điểm phát triển là khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ, tạo nền tảng để Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025.

Mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển TP Tân Uyên trở thành một trung tâm lớn phía namam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hoá - du lịch; đô thị mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, thu hút người dân từ TP HCM đến sinh sống và làm việc.

Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và đô thị Bình Dương cũng như TP HCM và TP Biên Hòa sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía nam đất nước; là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và của vùng.

Sau khi TP Tân Uyên được thành lập, tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện (Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên), một thị xã (Bến Cát) và 4 thành phố (Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên); 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 41 xã, 45 phường và 5 thị trấn.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.