Thông tin tuy hoạch nổi bật tuần qua (2/12 - 8/12): Hà Nội muốn xây sân bay phía nam vào 2040, duyệt quy hoạch nhiều tỉnh thành

Hà Nội muốn xây sân bay phía nam vào năm 2040; duyệt quy hoạch TP Cần Thơ; duyệt quy hoạch tỉnh Phú Thọ; chốt thời điểm khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc... là những thông tin quy hoạch nội bật tuần qua.

Hà Nội muốn xây sân bay phía nam vào năm 2040

Ngày 8/12, kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 .

Theo đó, Nghị quyết có đề cập đến việc dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía nam là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, vùng Thủ đô và Quốc gia hướng tới phát triển cao, kết nối quốc tế.

Khu vực làm sân bay phía nam có thể thuộc địa bàn huyện Ứng Hòa với ranh giới là các các tuyến đường cao tốc Tây Bắc - QL 5B (quy hoạch), sông Nhuệ, đường tỉnh 428. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể sẽ được cơ quan tư vấn chuyên ngành nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.

Duyệt quy hoạch TP Cần Thơ

Ngày 2/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, TP Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến...

Một góc TP Cần Thơ hiện nay. (Ảnh: Báo Xây dựng). 

Đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á.

Duyệt quy hoạch TP Hải Phòng

Ngày 2/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.

Một góc TP Hải Phòng. (Ảnh: UBND TP Hải Phòng). 

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển gồm: Dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế.

Duyệt quy hoạch tỉnh Phú Thọ

Ngày 5/12,  Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng; dự kiến đến năm 2030 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía bắc.

Một góc TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hiện nay. (Ảnh: Sở Ngoại vụ Phú Thọ). 

Cùng với đó, hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ và từng bước hình thành các trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc.

16 cao tốc, 29 quốc lộ quy hoạch qua Đồng bằng sông Hồng 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Hồ sơ Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình thẩm định, trong đó có định hướng phát triển đường bộ trên địa bàn vùng.

Theo đó, về mạng lưới đường bộ cao tốc, vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) quy hoạch 16 tuyến có vai trò quan trọng liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế, bao gồm 13 tuyến cao tốc và 3 tuyến vành đai.

Về mạng lưới quốc lộ, vùng ĐBSH quy hoạch 29 quốc lộ chạy qua, trong đó có 17 tuyến quốc lộ chính yếu, 12 tuyến quốc lộ thứ yếu với quy mô tối thiểu cấp III - IV, 2 - 6 làn xe.

Xem chi tiết 16 cao tốc, 29 tuyến quốc lộ TẠI ĐÂY.

Chốt thời điểm khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 

Văn phòng Chính phủ vừa qua đã phát đi Thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc về tình hình thực hiện các công trình giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế của tỉnh.

Trong đó, về tình hình thực hiện cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành Báo cáo thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, hoàn thành trước ngày 15/12, bảo đảm tiến độ khởi công vào quý I/2024.

Hà Nội dự kiến rót thêm 1.100 tỷ đồng cho 4 dự án giao thông 

UBND TP Hà Nội vừa qua đã trình HĐND thành phố báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023; xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025.

Theo đó, UBND thành phố đề xuất chi hơn 1.100 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 cho 4 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025.

Hà Nội đề xuất chi hơn 1.100 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 cho 4 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ). 

4 dự án giao thông này bao gồm tuyến đường Tây Thăng Long đoạn từ đường Phạm Văn Đồng - đường Văn Tiến Dũng; đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3; xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức và  tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính.

TP HCM sẽ chi 4.543 tỷ đồng khép kín một đoạn vành đai 2 

Ngày 8/12, Tại Kỳ họp thứ 13 HĐND TP HCM khóa X, HĐND thành phố đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 2 TP HCM, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp - đường Phạm Văn Đồng.

Theo đó, dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo theo lộ giới quy hoạch phần tuyển 67 m và nút giao đường Phạm Văn Đồng - vành đai 2 (phía bên phải đường Phạm Văn Đồng theo hướng đi quốc lộ 1K).

Đoạn vành đai 2 TP HCM từ đường Võ Nguyên Giáp (Xa lộ Hà Nội cũ)  - đường Phạm Văn Đồng. (Ảnh tư liệu: Hải Quân). 

Dự án thuộc nhóm A với tổng mức đầu tư là 4.543 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Thành phố. Trong đó, dự án thành phần 1 là 2.587 tỷ đồng; dự án thành phần 2 là 1.956 tỷ đòng. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2027.

Dự kiến hơn 13.700 tỷ làm cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp để nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.

Tại cuộc họp, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và đơn vị tư vấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dự kiến thực hiện từ năm 2024 - 2027 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 13.726 tỷ đồng. Chiều dài nghiên cứu dự kiến khoảng 56 km qua địa phận tỉnh Quảng Trị.

Dời kế hoạch trình xin xây dựng cầu Cần Giờ

Tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 6/12, HĐND TP HCM đã tổ chức phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Đối với công trình cầu Cần Giờ, đại diển Sở GTVT cho biết, nghị quyết của phiên họp HĐND trước đây đã nêu sẽ thông qua chủ trương vào kỳ họp cuối năm 2023. Song do dự án có nhiều phần việc cần giải quyết, việc trình xin chủ trương xây dựng cầu Cần Giờ chưa kịp thực hiện tại kỳ họp này.

Phối cảnh cầu Cần Giờ hiện nay. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ trang TP HCM). 

Sở GTVT hiện cũng đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, dự kiến sẽ trình HĐND TP HCM tại kỳ họp tiếp theo. Nếu chủ trương đầu tư dự án được thông qua đầu năm 2024, công trình sẽ được khởi công vào năm 2025.

Một doanh nghiệp tài trợ toàn bộ vốn xây cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn

Ngày 4/12, lãnh đạo thành phố đã chủ trì lễ ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ Công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn giữa Sở Giao thông Vận tải TP HCM và CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood.

Theo đó, Nutifood sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng dự án theo chủ trương, quy hoạch, phương án thiết kế mà thành phố đã phê duyệt, tổng kinh phí tài trợ ước tính khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Phối cảnh cây cầu. (Nguồn: Vietnamnet). 

Sau buổi Iễ, UBND TP HCM sẽ tiến hành bàn giao mặt bằng và phương án thiết kế cho Nutifood. Theo dự kiến, cây cầu sẽ được khởi công chính thức vào ngày 30/4/2025 để chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Duyệt quy hoạch tỉnh Lai Châu

Ngày 7/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 .

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lai Châu nắm bắt và khai thác hiệu quả các cơ hội, nguồn lực bên trong và bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh phát triển xanh, bền vững, văn minh, giàu bản sắc văn hoá, phát triển toàn diện; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới.

Duyệt quy hoạch tỉnh Hậu Giang

Ngày 8/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Duyệt quy hoạch tỉnh Bắc Ninh

Ngày 8/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2050, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.