Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (18/11 - 24/11): Thêm ba tỉnh được duyệt quy hoạch, TP HCM mời doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư metro

Duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi, Bến Tre và Cao Bằng; TP HCM mời doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư metro; Hà Nội sẽ xây mới ba tuyến đường kết nối KCN Bắc Thăng Long... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Duyệt quy hoạch ba tỉnh

Tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký các Quyết định phê duyệt quy hoạch các tỉnh Quảng Ngãi, Bến Tre và Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đối với Quảng Ngãi, một trong những nội dung đáng chú ý là tỉnh sẽ phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, với hạt nhân Trung tâm du lịch biển - đảo Lý Sơn và du lịch trải nghiệm gắn liền với văn hóa, lịch sử và giá trị cốt lõi của Quảng Ngãi. Cùng với đó, nghiên cứu phát triển cảng hàng không, sân bay tại vị trí có tiềm năng là huyện đảo Lý Sơn khi đảm bảo các điều kiện theo quy định. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY)

 Một góc Quảng Ngãi. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Đối với Bến Tre, mục tiêu đến năm 2030, Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.  Đến năm 2050, Bến Tre trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, môi trường sống xanh; dự kiến trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của TP HCM. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).

Một góc TP Bến Tre. (Ảnh: Kinh tế Môi trường). 

Đối với Cao Bằng, mục tiêu tỉnh sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9,72%/năm. GRDP bình quân/người khoảng 102 triệu đồng/người (giá hiện hành). 

Tỉnh được định hướng hát triển ngành thương mại, dịch vụ và kinh tế cửa khẩu, khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); đẩy mạnh phát triển khu kinh tế cửa khẩu hướng tới thị trường Trung Quốc và các nước lân cận trong khu vực, phấn đấu đưa tỉnh Cao Bằng trở thành một trong những trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).

Metro số 2 của TP HCM dự kiến xong mặt bằng đầu năm 2024

Ngày 23/11, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP HCM (MAUR)  đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Đại diện Ban Quản lý cho biết, đối với công tác giải phóng mặt bằng metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, hiện quận 1, quận 10, quận 12 đã hoàn thành 100% công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng sạch cho dự án.

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: Trường Nguyên). 

Hiện nay UBND thành phố đang tiếp tục chỉ đạo UBND quận 3 và quận Tân Bình để sớm hoàn tất công tác bồi thường bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho dự án. Dự kiến, đầu năm 2024, sẽ bàn giao mặt bằng sạch để làm dự án.

Hà Nội sẽ xây mới ba tuyến đường kết nối KCN Bắc Thăng Long

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh, TP Hà Nội vừa lập các báo cáo liên quan đến dự án xây dựng 3 tuyến đường ngoài hàng rào kết nối với Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3).

Cả ba tuyến đường này đều được HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2022, chủ đầu tư là UBND huyện Đông Anh.

Một góc KCN Thăng Long. (Ảnh: Thang Long Industrial Park). 

Tuyến thứ nhất có tổng chiều dài của tuyến là gần 2 km, chạy qua địa phận các xã Kim Chung và Võng La; tuyến thứ hai có chiều dài khoảng 2,9 km, nằm trên địa phận các xã Hải Bối và Võng La; tuyến thứ ba có chiều dài khoảng 0,94 km, nằm trên địa phận các xã Đại Mạch và xã Võng La.

TP HCM dự chi hơn 4.300 tỷ đồng mở rộng đường Vĩnh Lộc 

 Theo TTXVN, Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa qua đã có báo cáo đề xuất UBND TP HCM xem xét, trình HĐND Thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường Vĩnh Lộc  (đoạn từ đường Trần Văn Giàu đến đường số 2A - Khu công nghiệp Vĩnh Lộc).

Theo đó, dự án nâng cấp, mở rộng đường Vĩnh Lộc dự kiến có tổng mức đầu tư 4.344 tỷ đồng từ ngân sách thành phố; thời gian thực hiện năm 2016 – 2027. Tuyến đường có chiều dài khoảng 7,2 km, rộng trung bình 30m nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.

Hà Nội có 8 tuyến cao tốc hiện hữu và ba tuyến cao tốc chưa hình thành

TP Hà Nội vừa qua đã công bố đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo đó, về hệ thống đường cao tốc, đến năm 2022, Hà Nội có 8 tuyến đường cao tốc (CT) đã được hình thành, bao gồm: (CT 03) Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình; (CT 07) Hà Nội - Thái Nguyên; (CT 04) Hà Nội - Hải Phòng; (CT 01) Pháp Vân - cầu Giẽ; (CT 01) Hà Nội - Lạng Sơn; (CT 05) Hà Nội - Lào Cai; (CT 09) Hà Nội - Hạ Long; (CT 20) vành đai 3 trên cao.

Một đoạn cao tốc vành đai 3 trên cao. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ). 

Bên cạnh đó, ba tuyến cao tốc chưa hình thành, gồm: Đường Vành đai 4 (đã khởi công xây dựng); đường Vành đai 5; Tây Bắc - quốc lộ 5.

TP HCM mời doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư 12 tuyến đường sắt đô thị

Ngày 21/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP HCM đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - TP HCM, Việt Nam năm 2023.

Tại đây, TP HCM kêu gọi đầu tư hệ thống đường sắt gồm 12 tuyến gồm 9 tuyến đường sắt đô thị (Metro) và ba tuyến xe điện mặt đất (Monorail). Tổng mức đầu tư gần 437.000 tỷ đồng, tương đương 19 tỷ USD.

TP HCM mời doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư 12 tuyến đường sắt đô thị. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Các tuyến đường sắt đô thị gồm metro số 2 - giai đoạn 2 và giai đoạn 3, metro số 3A - giai đoạn 1 và giai đoạn 2, metro số 3B, metro số 4, metro số 4B, metro số 5 - giai đoạn 2, metro số 6. Còn lại là các tuyến xe điện mặt đất gồm Monorail số 1, số 2 và số 3.

Khánh Hòa đề xuất làm ba dự án giao thông tại TP Nha Trang 

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã chủ trì họp với các sở, ngành, địa phương liên quan đề xuất chủ trương một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Nha Trang.

Cầu Quán Trường trên địa bàn TP Nha Trang. (Ảnh: Báo Khánh Hòa). 

Theo đó, Sở GTVT đề xuất chủ trương đầu tư các dự án gồm cải tạo, tổ chức giao thông nút giao đường vành đai 2 và đường Tố Hữu, kết hợp mở rộng cầu Quán Trường; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Xiển; đường D25 và kênh thoát lũ Vĩnh Trung. Tổng mức đầu tư ba dự án này khoảng 2.450 tỷ đồng. 

chọn
Hiện trạng khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc sau 30 năm quy hoạch
Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc được quy hoạch từ năm 1994, có vị trí tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Cùng xem hiện trạng dự án này sau 30 năm quy hoạch.