Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa qua đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, TP Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; TP Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; TP Hà Tiên là đô thị di sản.
Theo quy hoạch, giai đoạn sau năm 2030, thành lập Khu kinh tế ven biển Rạch Giá là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành; trọng tâm phát triển về thương mại, dịch vụ, logictics cảng biển, đô thị - dịch vụ - du lịch, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Vừa qua, tại Đà Lạt, UBND hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa tổ chức Hội nghị trao đổi, thống nhất một số nội dung liên quan đến việc đầu tư cao tốc Nha Trang - Liên Khương.
Sau khi nghiên cứu các phương án, đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án 1A ( đoạn Nha Trang - Đà Lạt có chiều dài xây dựng là 81,5 km; đoạn Đà Lạt - Liên Khương có chiều dài xây dựng 18 km).
Đây là phương án có chiều dài xây dựng ngắn nhất; tổng mức đầu tư thấp nhất, với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh có tổng mức đầu tư khoảng 34.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Nha Trang - Đà Lạt có tổng mức đầu tư khoảng 19.700 tỷ đồng, đoạn Đà Lạt - Liên Khương hơn 4.400 tỷ đồng.
Lãnh đạo hai tỉnh thống nhất đề xuất chủ trương đầu tư cao tốc Nha Trang - Liên Khương, nhưng trước mắt chỉ làm đoạn nối Nha Trang với Đà Lạt với quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe.
Tới đây, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Hà Nội sẽ tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh qua sông Hồng.
Thời gian nộp hồ sơ thi tuyển phương án kiến trúc (giai đoạn thi tuyển) trong vòng 45 ngày kể từ ngày đơn vị tổ chức cuộc thi phát hành thông báo về các cá nhân, tổ chức vượt qua giai đoạn sơ tuyển được tham dự giai đoạn thi tuyển.
Cầu Thượng Cát có tổng chiều dài cầu và đường hai đầu cầu là 5,2 km; trong đó tổng chiều dài cầu hơn 4 km, 8 làn xe; đường hai đầu cầu rộng 50 - 60 m. Tổng mức đầu tư khoảng gần 8.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa qua đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu Quy hoạch là đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững của vùng với hệ thống không gian phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái.
Theo TTXVN, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vừa qua đã có Tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang).
Tổng chiều dài đoạn tuyến thuộc dự án là khoảng 29 km (không bao gồm cầu Bến Nước, Suối Cóc và 1,2 km đường dẫn đầu cầu hiện đang trong quá trình khai thác, sử dụng); trong đó đoạn Thái Nguyên dài khoảng 12 km và Tuyên Quang khoảng 17 km.
Dự án dự kiến sử dụng vốn ngân sách nhà nước; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.326,27 tỷ đồng; chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030 khoảng 338,73 tỷ đồng.
Thông tin từ Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), trong tổng số vốn hơn 16.300 tỷ đồng được giao năm 2023, tính đến hết tháng 10, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 - 2020) đã giải ngân gần 11.300 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch.
Trong khi đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025) với tổng số vốn hơn 46.400 tỷ đồng được bố trí trong năm 2023, tính đến hết tháng 10/2023, dự án đã giải ngân được hơn 33.200 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch.
Như vậy tình hình chung số tiền giải ngân cho dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam đạt 44.500 tỷ đồng.
Thông tin từ TTXVN, Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, tổng mức đầu tư cầu đường Nguyễn Khoái đề xuất điều chỉnh lên 3.725 tỷ đồng là do thay đổi quy mô đầu tư dự án để phù hợp với nhu cầu về kết nối giao thông; cập nhật chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận 4 và chi phí bồi thường di dời hạ tầng kỹ thuật.
Dự án có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng từ ngân sách thành phố; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.264 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 1.748 tỷ đồng.
Cầu đường Nguyễn Khoái có phần cầu dài khoảng 2,5 km; phần đường dài hơn 2,3 km; các nhánh cầu dẫn có tổng chiều dài hơn 1,3 km.