Đề xuất gần 10.000 tỷ đồng đầu tư đoạn vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp

Dự án vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước đây là Xa lộ Hà Nội) dài khoảng 3,6 km, dự kiến tổng mức đầu tư 9.852 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Một đoạn vành đai 2 sẽ mở từ cầu Phú Hữu - đường Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Hải Quân).

Phó Chủ tịch UBND TP HCM  Bùi Xuân Cường vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan xem xét tờ trình của Sở Giao thông Vận tải về dự án Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp để tham mưu, đề xuất UBND Thành phố trình HĐND TP HCM quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, dự án Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước đây là Xa lộ Hà Nội) dài khoảng 3,6 km, dự kiến tổng mức đầu tư 9.852 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố; trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị khoảng 1.990 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật là 7.197 tỷ đồng; còn lại là các chi phí khác.

Dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo lộ giới quy hoạch là 67m và toàn bộ nút giao Bình Thái. Dự án cũng đầu tư xây dựng đường song hành hai bên với quy mô 34m, 6 làn xe (mỗi đường rộng 17m, quy mô 3 làn xe).

Tại nút giao Bình Thái được thiết kế dạng thức nút giao hoa thị hoàn chỉnh đường Vành đai 2 vượt trên đường Võ Nguyên Giáp, các nhánh hoa thị kết nối với tuyến chính đường Võ Nguyên Giáp, đường song hành đi dưới các nhánh hoa thị bằng các hầm chui; trong đó, cầu vượt đường Võ Nguyên Giáp dài hơn 216m, rộng 20,5m. Đường Đặng Văn Bi, Đỗ Xuân Hợp và các đường nhánh kết nối vào đường Vành đai 2 sẽ được nâp cấp, cải tạo…

Dự án này được dự kiến thực hiện trong giai đoạn năm 2023 – 2027; trong đó, Sở Giao thông Vận tải đề xuất lập và trình chủ trương đầu tư vào quý III năm nay; khởi công xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác từ quý II/2025 đến quý IV/2026.

Vành đai 2 TP HCM được quy hoạch từ năm 2007 với chiều dài toàn tuyến 64 km, quy mô từ 6-10 làn xe. Đến nay, tuyến đường này vẫn có 4 đoạn chưa khép kín với chiều dài khoảng 14 km, bao gồm cả đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp đang đề xuất chủ trương đầu tư.

Trong khi đó, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa trên địa bàn thành phố Thủ Đức dài 2,7 km (tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng), dù được triển khai từ năm 2017 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) nhưng đã ngừng thi công nhiều năm nay do vướng mắc mặt bằng và các thủ tục khác.

Hai đoạn còn lại, từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,8 km (tổng vốn hơn 8.400 tỷ đồng) và từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3 km (tổng vốn hơn 9.200 tỷ đồng) cũng chưa được đầu tư.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, việc đầu tư xây dựng khép kín tuyến đường Vành đai 2; trong đó, bao gồm xây dựng đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp hết sức cấp thiết, cần triển khai thực hiện ngay nhằm giải quyết vận chuyển hàng hóa các cảng phía Đông, Đông Bắc, phía Nam thành phố (cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu...), giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường hiện hữu như đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ.

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.