Theo Trang tin Đảng bộ TP HCM, tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 6/12, HĐND TP HCM đã tổ chức phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Trong cuộc thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm (Cần Giờ) đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thông tin về việc chưa trình chủ trương liên quan đến cầu Cần Giờ tại kỳ họp này như kế hoạch đưa ra tại kỳ họp trước đó.
Trao đổi về cầu Cần Giờ, đại diện Sở GTVT cho biết, thời gian qua, HĐND, UBND thành phố rất quan tâm và luôn ưu tiên việc phát triển hạ tầng giao thông. Ngay tại kỳ họp này, nhiều công trình, dự án lớn đã được xem xét thông qua chủ trương đầu tư, trong đó có cả các dự án nhóm A.
Đối với công trình cầu Cần Giờ, nghị quyết của phiên họp HĐND trước đây đã nêu sẽ thông qua chủ trương vào kỳ họp cuối năm 2023. Song do dự án có nhiều phần việc cần giải quyết, việc trình xin chủ trương xây dựng cầu Cần Giờ chưa kịp thực hiện tại kỳ họp này.
Hiện nay, Sở GTVT đã trình Hội đồng Thẩm định thành phố báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ. Lẽ ra, nếu phần việc này được làm sớm hơn, chủ trương dự án sẽ được xem xét tại kỳ họp này.
Theo đại diện Sở, cầu Cần Giờ của TP HCM là công trình dây văng rất đặc biệt. Thành phố đã tổ chức thi tuyển kiến trúc, cây cầu có trụ hình cây đước. Về mặt kỹ thuật, cầu bắc qua đoạn sông có độ cong lớn nên cần có phương án nghiên cứu đảm bảo khả thi, đạt được hiệu quả về kinh tế.
Về cân đối nguồn vốn, cầu Cần Giờ, với vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, trong đó 50% được sử dụng từ ngân sách TP HCM, phần còn lại được thực hiện theo hình thức BOT.
Sở GTVT hiện cũng đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, dự kiến sẽ trình HĐND TP HCM tại kỳ họp tiếp theo. Nếu chủ trương đầu tư dự án được thông qua đầu năm 2024, công trình sẽ được khởi công vào năm 2025.
Liên quan đến dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đại diện Sở GTVT cho biết, dự án đã được trình lên Ban Thường vụ Thành ủy và hoàn chỉnh để chuẩn bị trình Chính phủ.
Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị đã tính toán đầy đủ về phát triển nguồn lực dịch vụ hàng hải, với số lượng người lao động tham gia từ 6.000 đến 8.000 người.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực này, TP HCM sẽ xây dựng trung tâm đào tạo tại khu vực rộng 10 ha tại huyện Cần Giờ. Trung tâm này sẽ liên kết với các trường đại học, đào tạo nhân lực phục vụ việc xây dựng, phát triển, vận hành cảng.