Vingroup: Cần kết hợp đầu tư metro với cầu Cần Giờ để giảm chi phí

Vingroup cho rằng nên kết hợp đầu tư metro với xây cầu Cần Giờ để đảm bảo sự đồng bộ, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả hai công trình.

Đó là một phần nội dung trong đề xuất tham gia nghiên cứu sơ bộ phương án đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP HCM với huyện Cần Giờ của Tập đoàn Vingroup gửi UBND TP HCM mới đây.

Theo doanh nghiệp này, nếu dự án cầu Cần Giờ hoàn thành giúp thay thế phà Bình Khánh thì tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ là "phù hợp với xu hướng, nhu cầu phát triển giao thông".

Vingroup cho rằng TP HCM đang có kế hoạch xây cầu Cần Giờ với mục tiêu khởi công vào dịp 30/4 và hoàn thành năm 2028. Do đó, doanh nghiệp này đề xuất kết hợp đầu tư tuyến đường sắt đô thị với xây cầu Cần Giờ để đảm bảo sự đồng bộ về hệ thống kỹ thuật, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả hai công trình.

Đường Rùng Sác, huyện Cần Giờ, tháng 9/2024. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Cụ thể, Vingroup đề nghị UBND TP HCM cho phép doanh nghiệp được sử dụng chi phí riêng để nghiên cứu, khảo sát phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ, trên cơ sở kết hợp với việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ.

Ngoài ra, doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng mong muốn được phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP HCM và Đơn vị tư vấn đang triển khai dự án cầu Cần Giờ, để nghiên cứu, khảo sát, tìm phương án phù hợp, đảm bảo kỹ thuật, khả thi và hiệu quả.

Về đề xuất của Vingroup, Sở Giao thông Vận tải đã có buổi làm việc với doanh nghiệp này đầu tháng. Theo đó, sau khi Vingroup xác định rõ nội dung đề xuất nghiên cứu dự án gồm phương án kỹ thuật; phạm vi nghiên cứu; hình thức đầu tư dự án; nguồn kinh phí nghiên cứu sơ bộ; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan.... Sở Giao thông Vận tải sẽ tham mưu, đề xuất UBND TP HCM xem xét chấp thuận các thủ tục thực hiện dự án theo quy định.

Trước đó, hôm 4/1, tại hội nghị công bố quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đề nghị ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, tham gia xây dựng tuyến đường sắt này.

"Tôi có trao đổi anh Vượng về việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP HCM cho đến huyện Cần Giờ. Anh Vượng đã đồng tình và rất say sưa với đề nghị này", Thủ tướng nói tại buổi hội nghị.

Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt đã bổ sung tuyến đường sắt đô thị dài gần 49 km nối quận 7 sang Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Tuyến metro này bắt đầu từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), theo đường Nguyễn Lương Bằng, vượt sông tới đường Rừng Sác xuống Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Tuyến dự kiến liên kết với Metro số 4 (depot Nhị Bình, Hóc Môn - Khu đô thị Hiệp Phước, Nhà Bè). Dự án được nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn 2031-2050, trong đó giai đoạn đầu có thể xem xét sử dụng loại hình buýt nhanh trước khi đầu tư tàu điện.

Cần Giờ cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km, là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với chiều dài 23 km. Địa phương có tổng diện tích hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là rừng ngập mặn và sông rạch.

Tại Cần Giờ, Khu đô thị lấn biển diện tích 2.870 ha được quy hoạch tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Dự án có tổng mức đầu tư trên 282.800 tỷ đồng. Khi hình thành, dự án kỳ vọng trở thành nơi sinh sống của hơn 228.000 người - gấp 3 lần dân số Cần Giờ hiện tại, thu hút gần 9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và tạo ra hơn 36.000 việc làm. Một dự án lớn khác là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vừa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, giao thông kết nối trung tâm thành phố tới Cần Giờ chưa phát triển tương xứng. Hiện từ nội đô xuống huyện biển chỉ có tuyến đường độc đạo Rừng Sác, phải qua phà Bình Khánh. Dự án cầu Cần Giờ thay phà sau nhiều năm đề xuất hiện chưa triển khai. 

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.