Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa qua đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý Dự án (QLDA) 7, Ban QLDA Thăng Long và các đơn vị trực thuộc tập trung tổ chức thi công, hoàn thành các thủ tục để đưa các dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây vào khai thác.
Theo đó, Bộ GTVT hiện đang yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tập trung tối đa nguồn lực cho công tác hoàn thiện hệ thống nút giao, đường ngang, các hạng mục an toàn giao thông, hàng rào… và dự kiến tổ chức khánh thành, bàn giao đưa vào khai thác tạm thời vào ngày 30/4.
Cùng với hai dự án trên, cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 cũng sẽ được đưa vào khai thác vào ngày 30/4 tới đây.
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KHÐT) đã phối hợp với các bộ, địa phương tiến hành các thủ tục trong nước theo quy định đối với các đề xuất dự án phát triển ÐBSCL bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).
Từ tháng 3/2022, Bộ KHÐT đã phối hợp cùng 6 đối tác phát triển phương án nguồn vốn nước ngoài cho các dự án tổ chức hơn 10 chuyến khảo sát, làm việc với 13 tỉnh, thành và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) để trao đổi về quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ NNPTNT và 13 tỉnh, thành ÐBSCL đã xây dựng 16 đề xuất dự án. Tổng mức đầu tư khoảng 94.328 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng khoảng 28.046 tỷ đồng; vốn vay nước ngoài khoảng 66.282 tỷ đồng. Về cơ chế tài chính trong nước phần vốn vay, đối với Bộ NN&PTNT và Bộ GTVT: cấp phát; đối với 13 tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL: vay lại 10%, cấp phát 90%.
Về tiến độ của các dự án Mekong DPO, Bộ KHÐT dự kiến, trong tháng 6 sẽ phê duyệt đề xuất; đến tháng 12, phê duyệt chủ trương đầu tư. Ðối với các dự án của Bộ NNPTNT, Bộ GTVT sẽ quyết định đầu tư và ký hiệp định vào tháng 6/2024. Còn các dự án của các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL sẽ quyết định đầu tư và ký hiệp định vào tháng 9/2024...
Ngày 21/4, UBND tỉnh Long An đã khởi công đường tỉnh (ĐT) 830E. Tuyến đường này đi qua vùng phát triển công nghiệp, khu đô thị, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới.
Theo đó, ĐT 830E có tổng mức đầu tư 3.707 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn 1 đầu tư 2 đường song hành dọc theo tuyến, mỗi đường song hành gồm hai làn xe hỗn hợp rộng 7 m, một làn xe thô sơ rộng 2,5 m và đầu tư các cầu vượt sông trên đường song hành hai bên.
Phần đường nối ra ĐT 830 có quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, rộng 20 m, nền đường rộng 30 m. Ở giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc 8 làn xe chạy, hai làn dừng khẩn cấp; phần đường song hành 4 làn xe hỗn hợp (mỗi chiều hai làn). Nguồn vốn xây dựng từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động khác. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025.
Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã có cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các địa phương liên quan để chỉ đạo triển khai thực hiện đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi.
Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi có quy mô đầu tư là công trình giao thông cấp I, chiều dài tuyến khoảng 28 km, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2027. Dự án đã được bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Quảng Ngãi dự kiến khởi công dự án trong tháng 12.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến metro số 2 TP HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương, trong đó điều chỉnh thời gian hoàn thành đưa vào khai thác đến hết năm 2030 và thêm hai năm sửa chữa khiếm khuyết, bảo hành (năm 2032).
Thủ tướng giao UBND TP HCM tiếp thu ý kiến các cơ quan, thực hiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ.
Trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn đã được phê duyệt, UBND TP HCM chịu trách nhiệm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành.
Bộ Giao thông Vận tải vừa qua đã quyết định giao Cục Đường bộ Việt Nam lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nhóm B. Thời gian thực hiện trong năm 2023 - 2024.
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với 8 dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh kết nối giữa cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tỉnh Phú Thọ); dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 15 (QL 15) đoạn từ Km 0+00 - Km 20+00 (tỉnh Hòa Bình); dự án nâng cấp, cải tạo QL 12B đoạn qua tỉnh Hòa Bình.
Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa QL 10 và ĐH31 và dự án nâng cấp, mở rộng cầu vượt B49 qua đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên QL 10 (TP Hải Phòng); dự án nâng cấp QL 34 đoạn từ Đèo Mã Phục - tránh thị trấn Trà Lĩnh đến cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Km247 - Km265) và dự án nâng cấp QL 4A đoạn từ thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh đến thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng); dự án nâng cấp, mở rộng QL 37 đoạn từ Km 77+850 - Km 93+839 (tỉnh Hải Dương).
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6 tới.
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 3.241 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ nay đến năm 2025. Quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 có chiều dài khoảng 3,4 km (tính cả chiều dài các nút giao).
Bề rộng mặt cắt ngang đường chính 60 m, gồm 6 làn xe cơ giới 3,5 m, 2 làn xe hỗn hợp tại 2 đường đô thị song hành 7 m, dải phân cách giữa, phân cách bên, vỉa hè hai bên.