Thông tin từ Báo Long An, ngày 21/4, UBND tỉnh Long An đã khởi công đường tỉnh (ĐT) 830E. Tuyến đường này đi qua vùng phát triển công nghiệp, khu đô thị, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới.
Lãnh đạo tỉnh cho biết, Long An đang từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh, đặc biệt là các địa phương đang phát triển công nghiệp, phù hợp theo quy hoạch giao thông tỉnh đến năm 2030 và quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đường vành đai 4 TP HCM đoạn qua tỉnh Long An.
Theo đó, ĐT 830E có tổng mức đầu tư 3.707 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn 1 đầu tư 2 đường song hành dọc theo tuyến, mỗi đường song hành gồm hai làn xe hỗn hợp rộng 7 m, một làn xe thô sơ rộng 2,5 m và đầu tư các cầu vượt sông trên đường song hành hai bên.
Phần đường nối ra ĐT 830 có quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, rộng 20 m, nền đường rộng 30 m. Ở giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc 8 làn xe chạy, hai làn dừng khẩn cấp; phần đường song hành 4 làn xe hỗn hợp (mỗi chiều hai làn). Nguồn vốn xây dựng từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động khác. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025.
Sau khi tuyến ĐT 830E được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo trục kết nối giao thông từ các tuyến đường tỉnh của địa phương với quốc lộ 1, đường vành đai 3, vành đai 4 TP HCM, ĐT 830C, ĐT 830.
Đồng thời, kết nối các khu, cụm công nghiệp từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đến cảng Hiệp Phước - TP HCM, cũng như cảng quốc tế Long An thông qua đường ĐT 830 đã được đầu tư hoàn thành.
Về hạ tầng tỉnh Long An, vừa qua, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu UBND huyện Bến Lức khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để chi trả tiền bồi thường cho người dân thuộc tuyến vành đai 3 TP HCM, chậm nhất đến hết tháng 6 phải bàn giao 70% diện tích mặt bằng và đến hết năm nay bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư.
Cùng với đó, tỉnh này yêu cầu Sở Giao thông Vận tải khẩn trương thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, chậm nhất đến hết tháng 6 phải triển khai thi công dự án.
Đường vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài 76 km, đi qua địa phận TP HCM và ba tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập với tổng mức đầu tư trên 75.000 tỷ đồng.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Long An gồm có 2 dự án thành phần 7 và 8; trong đó, dự án thành phần 7 - xây dựng Đường Vành đai 3 có phạm vi đầu tư xây dựng 6,4 km với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; dự án thành phần 8 - bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có phạm vi giải phóng mặt bằng 6,8 km, tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng.
Theo UBND huyện Bến Lức (Long An), địa phương đang tập trung thực hiện việc giải phóng mặt bằng cho dự án, hiện đã thực hiện xong việc kê biên, kiểm đếm thực tế được 380 hộ dân ảnh hưởng bởi dự án.
Bên cạnh tuyến vành đai 3, tuyến vành đai 4 TP HCM cũng là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Long An. Đối với dự án này, vừa qua, Long An cùng các tỉnh, thành có tuyến vành đai 4 đi qua đã thống nhất kế hoạch trình dự án đường vành đai 4 vào cuối năm nay.
Vành đai 3 TP HCM có chiều dài khoảng 200 km, đi qua địa bàn 5 địa phương gồm TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có điểm đầu tại điểm giao với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và kết thúc tại cảng Hiệp Phước (TP HCM).
Tỉnh Long An sẽ thực hiện đoạn vành đai 4 qua kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP HCM), chiều dài khoảng 71 km.