Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (2-8/5): Ban hành Nghị quyết về phát triển Hà Nội, tọa đàm hiến kế đầu tư vành đai 3 và 4

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; tọa đàm về vành đai 4 vùng Thủ đô và vành đai 3 TP HCM; công tác chuẩn bị triển khai dự án vành đai 4 TP HCM; bàn giao đất của dự án sân bay Long Thành; báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu đảo Gò Găng, TP Vũng Tàu,... là những thông tin quy hoạch nổi bật từ ngày 1 đến 8/5.

Hà Nội dự kiến có thêm 7 quận trong 8 năm tới

Ngày 5/5, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Nghị quyết, quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ được triển khai với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan hài hòa hai bên sông.

Đến năm 2025, Hà Nội có 3-5 huyện lên quận; đến năm 2030 thêm 1-2 huyện lên quận. Sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Nhuệ... sẽ được cải tạo.

 Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: Hồng Quân).

Nghị quyết cũng yêu cầu nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị tại Hà Nội; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài.

Cùng với đó, tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.

Thành phố phấn đấu hoàn thành vành đai 4 trước năm 2027; xây dựng vành đai 5 trước năm 2030; mở rộng, nâng cấp sân bay Nội Bài; xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.

Tọa đàm về hai tuyến vành đai chiến lược của Hà Nội và TP HCM

Tại tọa đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4/5, các chuyên gia đã thảo luận về dự án đường vành đai 3 TP HCM và đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Đối với dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết hình thức đầu tư dự án là hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Hiện tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng, chia thành ba nhóm dự án thành phần.

Vành đai 4 có tổng vốn đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội và thúc đẩy kinh tế cho Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. (Đồ họa: Đức Bùi).

Ông Tuấn cho rằng khó khăn lớn nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng với quy mô 1.341 ha; chiếm 19.000 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, dưới 25%.

Theo Phó Chủ tịch TP Hà Nội, đường vành đai 4 sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế, kết nối liên vùng, các cảng hàng không quốc tế, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hình thành nên đường trên cao đô thị và tạo ra quỹ đất hàng nghìn ha. 

Còn theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM Trần Quang Lâm, dự án vành đai 3 TP HCM có tổng mức đầu tư là 75.370 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2020-2025 là 81%, tức 61.000 tỷ đồng. Để bảo đảm giải ngân, sau khi có cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, linh hoạt vốn thì chuẩn bị giải phóng mặt bằng.

Vành đai 3 TP HCM (đường màu đỏ) chạy qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. (Nguồn: Bản đồ định hướng phát triển không gian TP HCM đến năm 2025).

Về đầu tư công, hiện nay các tỉnh, thành phố theo cơ chế sẽ tham gia 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần của các tỉnh, riêng Long An 25%. TP HCM và Bình Dương tham gia vốn ngân sách địa phương lớn nhất, TP HCM là 24.000 tỷ đồng, Bình Dương 9.600 tỷ, Đồng Nai khoảng 2.000 tỷ, Long An khoảng 1.000 tỷ.

Người đứng đầu ngành giao thông TP HCM cho biết TP HCM và các tỉnh, thành phố đã rà soát lại đầu tư công trung hạn, các nguồn dự kiến và đã báo cáo HĐND thảo luận và đã có nghị quyết, cam kết với Chính phủ, Quốc hội sẽ bảo đảm việc bố trí nguồn lực ngân sách địa phương tham gia dự án với tỷ lệ cơ cấu, nguồn vốn như vậy trong giai đoạn 2025 và giai đoạn sau.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chính sách đặc thù được đề xuất đối với hai dự án nói trên  như Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, tăng vốn đầu tư công trung hạn từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương, giao Hà Nội và TP HCM chủ trì dự án, xem xét quyết định chỉ định thầu đối với một số gói thầu,...

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng sau khi dự án vành đai 4 vùng Thủ đô và vành đai 3 TP HCM hoàn thành, có thể hình dung ra sự "bùng nổ" khá mạnh mẽ ở hai trung tâm tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam.

Đã bàn giao gần 2.300 ha đất sân bay Long Thành

Ngày 5/5, UBND huyện Long Thành đã tổ chức bàn giao thêm 220 thửa đất gần 70 ha đất để thực hiện dự án sân bay Long Thành.

Trong số này có 59 ha thuộc khu vực phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 và gần 11 ha thuộc giai đoạn 2 của dự án. Đối với diện tích 59 ha thuộc khu vực xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, có gần 20 ha thuộc các trường hợp bị vướng mặt bằng.

Trước đó, ngày 21/4, UBND huyện Long Thành đã bàn giao 82 ha đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Trong tổng số diện tích 82 ha đất bàn giao, có 67 ha thuộc khu vực 1.810 ha phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 và 15 ha thuộc khu vực dự trữ đất dôi dư 722 ha.

Hiện tại, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao gần 2.300 ha trong số hơn 2.532 ha thuộc giai đoạn 1 của dự án xây dựng sân bay Long Thành. Địa phương phấn đấu bàn giao toàn bộ diện tích 5.000 ha dự án xây dựng sân bay Long Thành trong quý II/2022. 

Vành đai 4 TP HCM dự kiến khai thác giai đoạn 1 năm 2028

Ngày 6/5, Sở GTVT TP HCM tổ chức họp triển khai về quy mô, hướng tuyến, kế hoạch và phương thức đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP HCM.

Quy hoạch chi tiết tuyến đường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/9/2011. Dự kiến, vành đai 4 dài khoảng 198 km, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Quy mô mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.

Sơ đồ hướng tuyến dự kiến vành đai 4 TP HCM. (Đồ họa: Alex Chu).

Tuyến đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố gồm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đi qua huyện Tân Thành); tỉnh Đồng Nai (đi qua ba huyện Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu); tỉnh Bình Dương (qua hai huyện Tân Uyên, Bến Cát) và TP HCM (đi qua hai huyện Củ Chi, Nhà Bè).

Ngày 29/9/2021, Thủ tướng có văn bản giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường vành đai 4 TP HCM.

Đề xuất đầu tư công cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu gần 18.000 tỷ đồng

Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 bằng nguồn vốn đầu tư công.

Điểm đầu tuyến tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng chiều dài khoảng 53,7 km, đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe, giải phóng mặt bằng 6 - 8 làn xe.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2025 khoảng 14.270 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 3.567 tỷ đồng.

Sơ đồ dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. (Nguồn: Sở Giao thông vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu). 

Về nguồn vốn, Chính phủ kiến nghị trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, dự án sẽ được bố trí từ nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách các địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021. Năm 2026 từ nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Dự kiến dự án chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

17 đoàn tàu metro số 1 đã về đến TP HCM

Ngày 6/5, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM đã tổ chức đón đoàn tàu số 16 và số 17 của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại cảng Khánh Hội (quận 4).

Đây là hai đoàn tàu cuối cùng của tuyến metro số 1 được đưa từ Nhật Bản về Việt Nam.

Đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 được đưa về Việt Nam từ tháng 10/2020. Mỗi đoàn tàu metro số 1 có 3 toa xe, dài 61,5m, có thể chở 930 khách; trong đó 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Tốc độ tối đa thiết kế là 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn hầm).

Theo kế hoạch, các toa xe của hai đoàn tàu số 16 và 17 sẽ được vận chuyển về depot Long Bình (TP Thủ Đức) từ đêm 6/5. Sự kiện này đánh dấu việc hoàn thành nhập khẩu các đoàn tàu và tập trung toàn lực vào thi công lắp đặt của nhà thầu cơ điện trên toàn dự án; thúc đẩy tiến độ và nhanh chóng bước đến giai đoạn tích hợp hệ thống, thử nghiệm và vận hành thử, chuẩn bị cho vận hành chính thức.

Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch phân khu Đảo Gò Căng 1.400 ha thành khu đô thị mới gắn với sân bay

Ngày 4/5, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Đảo Gò Găng, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu.

Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Đảo Gò Găng đã được phê duyệt ngày 30/10/2013.

Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035, khu vực Đảo Gò Găng có một số định hướng mới như tăng tỷ lệ đất xây dựng đô thị, tăng quy mô dân số, hình thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá...

Khu vực lập quy hoạch có diện tích khoảng 1.389 ha, quy mô dân số khoảng 60.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi khoảng 7.600 người).

Tính chất quy hoạch là khu đô thị mới hiện đại gắn với sân bay Gò Găng, gắn kết với không gian sinh thái rừng ngập mặn, đồng thời hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến thủy hải sản công nghệ cao.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.