Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (4-10/4): Công bố quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống, thông qua nghị quyết triển khai vành đai 3 TP HCM

Hà Nội công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống; TP HCM thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 3; phê duyệt quy hoạch phân khu D2 hơn 2.200 ha tại TP Biên Hòa; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai,... là những thông tin quy hoạch nổi bật từ ngày 4 đến 10/4.

Sớm đưa quy hoạch sông Hồng và sông Đuống vào thực tiễn

Chiều 5/4, UBND TP Hà Nội công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 và Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6) tỷ lệ 1/5.000.

 Hà Nội công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống. (Ảnh: Hồng Quân).

Phân khu đô thị sông Hồng có có quy mô gần 11.000 ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì. 

Hà Nội sẽ xây mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm: Hồng Hà, Mễ Sở trên đường vành đai 4; Thượng Cát và Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5; cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng; cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên. Các cầu đều có quy mô 6 là xe cơ giới và hai làn hỗn hợp. Riêng với cầu Hồng Hà và Mễ Sở có 6 làn xe cao tốc.

Ngoài ra, Hà Nội xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long, cầu Bắc Cầu qua sông Đuống trên tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng.

Các tuyến đường sắt quốc gia hiện có gồm tuyến xuyên tâm Yên Viên – Ngọc Hồi và tuyến vành đai Hà Đông – Bắc Hồng sẽ dỡ bỏ, thay thế bằng các tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 6.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt vành đai đi dọc theo đường vành đai 4, cắt qua sông Hồng tại cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở.

Còn quy mô nghiên cứu phân khu sông Đuống khoảng 1.152 ha. Dân số tối đa đến năm 2030 khoảng 8.296 người.

 Quy hoạch phân khu sông Đuống hơn 1.150 ha. (Ảnh: Hồng Quân).

Quy hoạch có phạm vi, ranh giới nghiên cứu phía bắc và đông bắc giáp đê tả ngạn sông Đuống và phân khu đô thị N9 thuộc hai huyện Đông Anh và Gia Lâm); phía nam và tây nam giáp đê hữu ngạn sông Đuống (thuộc quận Long Biên); phía tây giáp cầu bắc cầu và phân khu đô thị sông Hồng; phía nam và đông nam giáp phân khu đô thị N10 và cầu Phù Đổng.

Đây là khu vực có quỹ đất để phát triển hai bên sông theo hướng cây xanh sinh thái, kết hợp du lịch, bảo tồn và duy trì cảnh quan thiên nhiên tạo lập bộ mặt cho các phân khu đô thị, đồng thời là khu vực dự kiến phát triển hệ thống đường ven sông, cầu nối kết đô thị hai bên sông.

Mạng lưới giao thông trong Quy hoạch phân khu sông Đuống được xác định phù hợp với các quy hoạch đã có. Tuyến đường sắt quốc gia xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi và cầu Đuống sẽ được dỡ bỏ, thay thế bằng đường sắt đô thị tuyến số 1 và cầu Đuống mới.

TP HCM thống nhất chi gần 24.000 tỷ đồng làm đường vành đai 3

Chiều 7/4, HĐND TP HCM đã thông qua nghị quyết về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP HCM.

Dự án đi qua 4 địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, dài hơn 76 km với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách TP HCM bố trí hơn 24.000 tỷ đồng.

Vành đai 3 TP HCM (đường màu đỏ) chạy qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. (Nguồn: Bản đồ định hướng phát triển không gian TP HCM đến năm 2025).

Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2022 đến 2027. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bắt đầu triển khai từ quý III/2022, hoàn thành vào quý IV/2024. 

Cũng trong chiều 7/4, nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án kết nối các tuyến xe buýt với tuyến metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được các đại biểu thông qua tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP HCM khoá 10.

Dự án Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được đề xuất có mức đầu tư hơn hơn 93 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024. Công trình sẽ do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM thực hiện.

Các tuyến buýt này kết nối 11 nhà ga metro trên cao của tuyến gồm Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia và Bến xe Suối Tiên.

Các nhà ga sẽ được bố trí lối đi bộ cho hành khách, nhà chờ xe buýt, bãi đậu xe buýt, bãi đậu xe cá nhân, nơi đón trả khách dành cho xe buýt, taxi, trạm dừng xe buýt trên xa lộ Hà Nội (dành cho tuyến buýt đi trục chính), cải tạo vỉa hè đường song hành xa lộ Hà Nội, lối đi bộ, vạch kẻ đường, biển báo...

Giải ngân khoảng 28.500 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành trong hai năm tới

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào ngày 6/4, lãnh đạo HĐQT Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ đối ứng 36.000 tỷ đồng sẵn sàng cho dự án.

Năm 2022, ACV dự kiến sẽ giải ngân khoảng 8.500 tỷ đồng cho dự án thành phần 3, chủ yếu cho các gói thi công san nền, thi công nhà ga hành khách, cũng như thiết kế kỹ thuật cho các hạng mục này, và giải ngân giải phóng mặt bằng hệ thống giao thông kết nối.

Giá trị giải ngân sẽ tăng dần lên 20.000 tỷ đồng vào năm 2023, khi tất cả các hạng mục đều được triển khai thi công đồng loạt, và đạt giá trị lớn nhất vào năm 2024-2025, dự kiến trên 25.000 tỷ đồng.

 Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV).

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu trong tháng 6 bàn giao toàn bộ diện tích 5.000 ha dự án sân bay Long Thành, bảo đảm tiến độ phê duyệt để khởi công nhà ga hành khách vào tháng 10.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích 5.000 ha, công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Ước tính toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư 114.450 tỷ đồng (khoảng 5,45 tỷ USD), dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2025.

Duyệt quy hoạch phân khu D2 hơn 2.200 ha tại Biên Hòa, Đồng Nai

Ngày 5/4, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu D2 tỷ lệ 1/5.000 tại phường Tam Phước theo quy hoạch chung của TP Biên Hòa. 

Ranh giới phân khu phía bắc giáp khu D1 tại phường Phước Tân; phía nam giáp xã An Phước, huyện Long Thành; phía đông giáp xã Giang Điền, xã An Viễn, huyện Trảng Bom và phía tây giáp phân khu C1 phường Tam Phước. 

Quy mô phân khu quy hoạch khoảng 2.256 ha, dự kiến quy mô dân số khoảng 120.000 đến 130.000 người. Phân khu D2 dự kiến được chia làm 10 ô quy hoạch để kiểm soát phát triển.

Đây là phân khu thành phần phía nam của khu đô thị phía đông cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển nhà ở, không gian, cảnh quan môi trường,...

Trong phân khu này tập trung đầu tư phát triển mới là chủ yếu, đáp ứng nhu cầu ở, các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp,... với các chức năng như trung tâm thể dục thể thao; trung tâm công cộng thương mại dịch vụ đô thị, khu phát triển hỗn hợp, khu công nghiệp, khu vực xây mới mật độ cao, khu công viên tập trung.

5 thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu hạn chế xe máy

Tuần qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025.

5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP HCM được giao tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số quận sau năm 2030; nghiên cứu xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Chủ trương này nhằm hạn chế số lượng xe cơ giới vào địa bàn.

 Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy tại nhiều quận nội đô từ 2025. (Ảnh minh họa: Huy Hoàng).

Cơ quan chuyên môn các thành phố tham mưu HĐND ban hành nghị quyết ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; phấn đấu đến năm 2025 đạt 30-35% khối lượng vận tải hành khách.

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, các thành phố tập trung nguồn lực xử lý điểm thường xuyên ùn tắc; không để xảy ra các vụ ùn tắc trên 30 phút; chỉ phê duyệt đầu tư khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông, có kết nối với trục đường chính trong đô thị.

Chính phủ cũng giao Bộ Công an lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông để xử lý các vi phạm hành chính; xây dựng quy chuẩn về hệ thống giám sát, xử lý vi phạm giao thông để thống nhất áp dụng toàn quốc.

Hơn 3.700 tỷ đồng đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Cụ thể, Thủ tướng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai lên thành 3.712,97 tỷ đồng. 

Trong đó, giai đoạn 1 vốn ngân sách trung ương là 2.100 tỷ đồng (giai đoạn 2016 - 2020 là 500 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 là 1.600 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương là 1.153 tỷ đồng. Giai đoạn 2 bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác (sau năm 2025) là 459,97 tỷ đồng.

Tháng 12/2019, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hình thức BOT. Tổng chiều dài tuyến khoảng 40,2 km, qua địa phận tỉnh Tuyên Quang khoảng 11,63 km; qua tỉnh Phú Thọ khoảng 28,57 km.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.271 tỷ đồng. Thời gian và tiến độ thực hiện dự án từ năm 2019 đến 2023, phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng mới đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, bao gồm cả cầu Đoan Hùng và đường dẫn hai đầu cầu, tổng chiều dài 40,2 km.

Đến tháng 12/2020, Thủ tướng quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương dự án nói trên. Tổng mức đầu tư dự án gần 3.113 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương kết hợp với ngân sách tỉnh.

Dự án phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021 đến năm 2023, tổng mức đầu tư 2.653 tỷ đồng; giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025, tổng mức đầu tư 459,9 tỷ đồng. Vào tháng 2/2021, hai tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ đã động thổ dự án.

Đã thẩm định 5 dự án đường vành đai và cao tốc, sẵn sàng trình Quốc hội phê duyệt

Chiều 4/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, 5 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông gồm hai đường vành đai và ba dự án cao tốc đã hoàn thành xong công tác thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định. 

Hai dự án đường vành đai gồm vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP HCM .

Còn ba dự án cao tốc của Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành xong công tác thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, gồm: Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. 

chọn
Người trẻ 9X cần 26 năm thu nhập để mua căn hộ 3 tỷ đồng
Thống kê của batdongsan.com.vn, năm 2024, một cá nhân 9x cần khoảng 26 năm thu nhập để mua căn hộ trên với giá 3 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%.