Trục cảnh quan phân khu sông Hồng hướng đến mảng xanh, mật độ xây dựng thấp, phát triển ba loại công viên

Theo đề án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được phê duyệt, Hà Nội đưa ra kế hoạch cụ thể về việc thiết kế, xây dựng các công trình nhà ở, công viên, dịch vụ... Thành phố dự định phát triển không gian xanh và không gian mở bao gồm các loại công viên bảo tồn tự nhiên, công viên nông nghiệp, công viên đô thị.

Không gian cây xanh mặt nước là trục cảnh quan chủ đạo của phân khu sông Hồng. (Ảnh: Hạ Vũ).

Mật độ xây dựng thấp, chủ trương không san lấp hồ ao

Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng có tổng diện tích gần 11.000 ha, trong đó diện tích mặt nước sông chiếm khoảng 3.244 ha (chiếm khoảng 30%), diện tích dành cho không gian xanh khoảng 5.462 ha (khoảng 49,7%).

Như vậy, có thể thấy không gian cây xanh mặt nước chiếm phần lớn, gần 80% diện tích trong phân khu đặc biệt này.

Bên cạnh không gian cây xanh mặt nước, các khu vực chức năng xây dựng đô thị cũng được chú trọng phát triển nhưng với định hướng trên nguyên tắc phòng chống lũ làm mục tiêu hàng đầu và có mật độ xây dựng thấp.

Quy hoạch nêu rõ, không gian xanh hai bên sông Hồng sẽ là các không gian mở, tạo không gian giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho người dân đô thị, phát huy cảnh quan sinh thái nông nghiệp phục vụ sản xuất và du lịch.

Hà Nội sẽ nghiên cứu thiết kế hệ thống trung tâm văn hóa dọc bờ bắc và bờ nam sông Hồng, trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục tây Hồ Tây - Hồ Tây - Cổ Loa.

Khu vực trên được quy hoạch trở thành không gian lễ hội văn hóa, nơi tổ chức sự kiện văn hóa lớn của thủ đô, công trình văn hóa cấp thành phố, đào tạo chuyên ngành nghệ thuật, công viên vui chơi giải trí, quảng trường lớn kết hợp tượng đài, công viên chuyên đề, các dịch vụ công cộng, dịch vụ du lịch...

  Khu vực bãi giữa sông Hồng có diện tích khoảng 23 ha nằm chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm dự kiến phát triển thành công viên văn hóa, du lịch. (Ảnh: Hạ Vũ). 

Ngoài ra, Hà Nội định hướng phát triển các mô hình công viên, cây xanh chuyên đề - nông nghiệp đô thị có chất lượng và kỹ thuật cao, nông nghiệp du lịch, thu hút các hoạt động kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao (dịch vụ, du lịch, thể thao...) phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thành phố sẽ tạo lập các không gian xanh gồm khu công viên đô thị, công viên chuyên đề, công viên ngập lũ trên cơ sở khai thác cảnh quan hai bên sông Hồng phù hợp điều kiện tự nhiên, theo các thềm địa hình và hiện trạng sử dụng đất. Hà Nội khuyến khích tổ chức các cuộc thi ý tưởng để lựa chọn phương án phù hợp cho việc này.

Đối với khu vực đất ở hiện có, thành phố dự kiến cải tạo bằng cách nâng cao chất lượng không gian, bổ sung tăng cường hệ thống hạ tầng xã hội như sân chơi, giáo dục, y tế, văn hóa, dành quỹ đất tổ chức không gian vườn hoa, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật gồm giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường.

Thành phố chủ trương không san lấp hồ ao, cấu trúc khu nhà ở làng xóm xanh sạch đẹp với mật độ xây dựng thấp, nhiều sân vườn, nâng cao chất lượng sống.

Đồng thời, khuyến khích các mô hình quy hoạch, kiến trúc công trình đẹp, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và chống chịu lũ. Địa phương khai thác hiệu quả cảnh quan khu vực làng nghề truyền thống phục vụ kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái dọc sông Hồng.

Hà Nội cũng sẽ xây dựng các khu nhà ở hiện đại chất lượng cao theo hướng mật độ xây dựng thấp, cao tầng tại phía bắc sông Hồng đoạn R3-R4, thấp dần về hai bên; phía nam sông Hồng đoạn R3-R4, hạn chế tối đa bố trí công trình cao tầng, quản lý đặc biệt tại trục không gian Hồ Tây – Cổ Loa.

 Tại đề án phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội dự định phát triển không gian xanh và không gian mở. (Ảnh: Hạ Vũ)

Định hướng ba loại hình công viên

Tại đề án phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội dự định phát triển không gian xanh và không gian mở gồm các loại công viên bảo tồn tự nhiên, công viên nông nghiệp, công viên đô thị, không gian mở có chức năng tổng hợp.

Cụ thể, công viên bảo tồn tự nhiên sẽ được bố trí tại các khu vực ngập nước thường xuyên phía ngoài đê bối.

Công viên nông nghiệp đô thị được bố trí tại khu vực sản xuất nông nghiệp phía trong đê bối, tiếp giáp với khu làng xóm tồn tại lâu đời, tập trung tại phía nam và phía bắc khu vực nghiên cứu.

Còn các công viên đô thị được bố trí tại các khu vực tiếp giáp với các phân khu đô thị.

Các không gian có chức năng tổng hợp được bố trí tại nơi tiếp giáp với khu vực nội đô lịch sử, gắn liền với không gian văn hóa lịch sử như cầu Long Biên, trục Hồ Tây - Cổ Loa. Hà Nội yêu cầu không làm ảnh hưởng, xâm phạm đến hành lang bảo vệ và an toàn của đê theo quy định của Luật Đê điều.

Hà Nội cũng khuyến khích chuyển đổi các cơ sở công nghiệp sang chức năng công cộng, dịch vụ. Việc này có thể thực hiện bằng các nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các trường học, công trình công cộng phù hợp định hướng và tiêu chuẩn đô thị; tổ chức xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, logistic gắn kết với hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt tại khu vực cảng, bến thủy nội địa.

Với những nơi ở bãi sông và dòng sông được nhận định là khu vực không ổn định nên sẽ phù hợp cho các không gian sinh thái, phục hồi tự nhiên. Tại một số nơi tiếp giáp với khu vực nội đô lịch sử dự kiến được kè cứng, tạo điều kiện tổ chức các không gian công cộng văn hóa tiếp giáp với mặt nước.

Khu vực trung tâm của phân khu hiện được chia làm hai loại. Trong đó, khu vực trung tâm đô thị sẽ được cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối các công trình công cộng hiện hữu và công trình cộng cộng mới theo hướng về phía bờ sông.

 Đồ họa: Justin Bùi.

Với các khu trung tâm tại làng xóm tồn tại lâu đời, địa phương sẽ cải tạo lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bố trí các công trình công cộng mới và cải tạo các công trình hiện có, nhằm tạo thành trung tâm của khu dân cư. Nơi đây sẽ được kết nối với các khu trung tâm phía trong đê và các công trình giao thông, bến cảng hành khách về phía bờ sông.

Về cảnh quan đô thị dọc các trục đường chính, đề xuất nguyên tắc bố cục và hình khối kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán văn hóa xã hội và đặc thù khu vực. Địa phương cần khai thác tối đa chủng loại cây xanh sẵn có.

Ở dọc tuyến đê chính, các công trình cần bố trí đảm bảo yêu cầu về khoảng cách đối với hệ thống đê, công trình đồng bộ trên tuyến phố về hình thức kiến trúc, tầng cao xây dựng và khoảng lùi công trình.

Dọc tuyến hướng ra sông, thành phố định hướng tổ chức các công trình, tổ hợp công trình có hình thức kiến trúc đẹp và thuận tiện người đi bộ, đi xe đạp tiếp cận sử dụng.

Các công trình điểm nhấn bao gồm công trình cao tầng ở bờ bắc sông Hồng, trục không gian công cộng - quảng trường Hồ Tây – Cổ Loa, cầu qua sông, công trình công cộng gắn với các bến cảng đường thủy...

Với các bãi đỗ xe công cộng trong tổng thể quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội dự kiến bố trí khoảng 72 ha đất bãi đỗ xe công cộng, có thể kết hợp các tiện ích đô thị trạm nạp điện, nhà vệ sinh công cộng, điểm tập kết rác thải sinh hoạt, trạm xăng... Bán kính phục vụ trong phạm vi từ 400-500 m, tiếp giáp với khu vực làng xóm hiện có, khu vực đông dân cư.

chọn
Toàn cảnh vị trí quy hoạch cầu vượt sông Đáy nối Chương Mỹ - Ứng Hòa, Hà Nội
Một cầu vượt sông Đáy dự kiến được xây dựng kết nối các huyện Chương Mỹ và Ứng Hòa, Hà Nội.