Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm với mục tiêu phát triển huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; góp phần sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Khu du lịch Bãi Dài, huyện Cam Lâm. (Ảnh: Khải An).
Ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ đã đi thị sát thực địa về định hướng quy hoạch xây dựng đô thị sân bay Cam Lâm, huyện Cam Lâm. Thủ tướng đề nghị định hướng quy hoạch theo hướng "đa mục tiêu" nhằm biến vùng đất nông thôn, miền núi này thành trung tâm đô thị, dịch vụ đẳng cấp quốc tế thông minh, hiện đại, sinh thái; trung tâm trí tuệ, đổi mới sáng tạo với các diễn đàn khoa học công nghệ quốc tế được tổ chức hằng năm, các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ cao cấp khác...
Tại đây, Tập đoàn Vingroup cũng đã có báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên của đoàn công tác Trung ương về ý tưởng đầu tư dự án đại đô thị trên địa bàn huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Nếu được phê duyệt, đến tháng 6/2023 dự án khởi công và sau hai năm hình hài của khu đô thị phức hợp sẽ thành hình.
Dự án được triển khai sẽ biến vùng đất nông thôn, miền núi trở thành đô thị cao cấp quốc tế. Nổi bật là trung tâm, trí tuệ toàn cầu, trung tâm y tế, giáo dục, cùng các dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp thuộc hàng đầu thế giới.
Ngày 15/3, UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khu vực nghiên cứu chính là đô thị trung tâm TP Hà Nội, thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì và Thường Tín.
Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.
Đô thị trung tâm giới hạn bởi phía bắc giáp sông Cà Lồ, phía đông giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên, các phía Tây, tây nam và phía nam giáp đường vành đai 4. Diện tích nghiên cứu khoảng 75.600 ha (756 km2).
Các đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Hoà Lạc có ranh giới xác định theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng các đô thị vệ tinh đã được Hà Nội phê duyệt. Tổng diện tích khoảng 46.164 ha (461 km2).
Trong đô thị trung tâm các khu vực có tiềm năng xây dựng công trình ngầm gồm khu vực nội đô; khu vực phát triển mới cao tầng tại Bắc sông Hồng và chuỗi đô thị Đông vành đai 4, các dự án trong vành đai xanh và tại các trục không gian Hồ Tây - Ba Vì, Tây Hồ Tây, Hồ Tây - Cổ Loa và khu vực dọc theo hành lang các tuyến đường sắt đô thị.
Ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
Tuyến cáp treo Hương Bình dài gần 3 km sẽ kết nối giao thông giữa hai khu di tích thắng cảnh Chùa Long Vân và Chùa Tiên và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại khu vực.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.726 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, thời hạn hoạt động là 50 năm kể từ ngày 16/3/2022. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Thái Bình. Tiến độ thực hiện trong ba năm (từ năm 2022 - 2024) và dự kiến khai thác, vận hành vào quý IV/2024.
Sáng 15/3, tại tỉnh Bình Định, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cho 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Các đoạn cao tốc qua những địa phương này có tổng chiều dài 353 km (bao gồm 5 dự án thành phần: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang).
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2021 - 2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua 12 tỉnh, thành phố, với tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng. Tổng cộng có 12 dự án thành phần, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
Chiều ngày 16/3, Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm vừa có buổi làm việc với Thường trực Quận ủy Long Biên về công tác quản lý, sử dụng và phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn hai quận.
Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Diện tích này không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm, tiếp giáp với ba quận Ba Đình, Hai Bà Trưng và Long Biên.
Hà Nội dự kiến phát triển 23 ha đất bãi giữa sông Hồng làm công viên văn hóa, du lịch. (Ảnh: Hạ Vũ).
Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23 ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó khoảng 1 ha thuộc địa phận quận Long Biên. UBND quận Hoàn Kiếm đang khảo sát để tiếp tục mở rộng các dự án làm sạch sông Hồng trên địa bàn hai phường Phúc Tân và Chương Dương; đồng thời hướng đến mục tiêu phát triển bãi giữa, bãi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Thủ đô.
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến các bộ, ngành về ba phương án hướng tuyến ga ngầm C9 (thuộc dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); trong đó có tính đến phương án bỏ ga ngầm C9 gần hồ Hoàn Kiếm.
Ban Quản lý dự án Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB) cho rằng, việc bỏ ga C9 là tiết kiệm nhất. Tổng mức kinh phí xây đoạn hầm từ C8 đến C10 chỉ còn hơn 3.320 tỷ đồng. Diện tích đất cần giải phóng ít nhất, tuyến giữ nguyên được hướng tuyến như quy hoạch trước đó và không xâm phạm đến vùng bảo vệ di tích hồ Hoàn Kiếm.
UBND tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch về việc tổ chức hội nghị thảo luận lấy ý kiến về đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục đích của hội nghị nhằm thảo luận, lấy ý kiến các đơn vị, sở, ngành, chuyên gia, hội nghề nghiệp, các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư bất động sản… về nội dung đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Long Thành.
Về nội dung, hội nghị sẽ tập trung thảo luận, lấy ý kiến của các đại biểu tham dự về tầm nhìn, mục tiêu dự báo của quy hoạch xây dựng vùng huyện Long Thành theo các giai đoạn phát triển; định hướng tổ chức, phát triển quy hoạch không gian vùng; mô hình, cấu trúc phát triển không gian (khu đô thị, nông thôn, dịch vụ, công nghiệp, logistics, hạ tầng, giao thông, môi trường, an ninh quốc phòng…). Dự kiến hội nghị sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến 26/3.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D lên cấp 4E với đầy đủ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và hệ thống thiết bị phụ trợ dẫn đường tiên tiến để đón được các tàu bay lớn như Airbus A380, Boeing 787.
Cảng hàng không Liên Khương. (Ảnh: Cảng vụ hàng không miền Nam).
Sân bay này sau khi được nâng cấp sẽ có công suất thiết kế đến năm 2030 là 5 triệu lượt hành khách/năm, bao gồm việc xây dựng thêm một nhà ga quốc tế trên diện tích đất hiện có là 340 ha.
Tổng mức đầu tư dự án là khoảng 4.328 tỷ đồng, do nhà đầu tư tự huy động với thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2026.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn 2B.
Tuyến đường dài 6,55 km với ba đoạn tuyến. Đoạn dài nhất hơn 3 km kết nối đường hiện hữu với đô thị Vạn Tường, huyện Bình Sơn. Đoạn thứ hai nối Bình Sơn và TP Quảng Ngãi dài 1,81 km. Đoạn thứ ba đi qua TP Quảng Ngãi dài gần 1,6 km.Trong dự án có ba cầu gồm: cầu Quỳnh Lưu dài hơn 410 m, cầu Quang Mỹ dài hơn 690 m và mở rộng cầu Khê Hòa.
Đường Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2 được điều chỉnh (màu hồng tím) nối với cầu Cổ Lũy (Cửa Đại), gần biển hơn so với quy hoạch cũ (màu đỏ). (Ảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi).
Diện tích sử dụng đất cho dự án hơn 18 ha. Tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương bố trí 840 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.
Tuyến đường sẽ kết nối liên tục từ đường ven biển Quảng Nam, sân bay Chu Lai, nối trục giao thông TP Quảng Ngãi với Khu kinh tế Dung Quất và đô thị Vạn Tường. Tuyến đường sẽ cũng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao của các khu kinh tế, đặc biệt là với khu vực cảng nước sâu Dung Quất và các khu vực có lưu lượng vận tải cao, giảm tải cho quốc lộ 1.
Ngày 17/3, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cầu An Phước, nối liền hai bờ sông Vàm Cỏ Đông, đi từ các xã cánh Tây với phường An Hòa và trung tâm thị xã Trảng Bàng, thuộc thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Đây là công trình kết nối giao thông quan trọng, rút ngắn khoảng cách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa, giúp học sinh thuận tiện đến trường, thỏa lòng mong đợi của người dân tại thị xã Trảng Bàng; là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, kết nối các xã biên giới với trung tâm các huyện, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới của tỉnh.
Thông xe cầu An Phước. (Ảnh: Báo Tây Ninh).
Cầu An Phước có tổng chiều dài 453 m, đường dẫn vào cầu dài hơn 5,7km, với 11 nhịp, bề rộng mặt cầu là 12m, bao gồm phần xe chạy 11m. Công trình có nhịp thông thuyền là 80m, được thi công với công nghệ hiện đại, đúc hẫng cân bằng.
Tổng mức đầu tư là hơn 399 tỷ đồng, công trình được khởi công vào tháng 7/2019.
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 04/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 21/12/2024
Quy hoạch 07:00 | 14/12/2024
Quy hoạch 12:04 | 07/12/2024