Sáng ngày 5/3, UBND TP Thủ Đức đã tổ chức buổi "Tọa đàm doanh nghiệp Đóng góp ý tưởng Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức".
Đã có 30 hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp khi chính quyền TP Thủ Đức tổ chức tọa đàm đầu tiên lắng nghe góp ý cho đồ án quy hoạch chung thành phố.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết đã ấp ủ nhiều năm kế hoạch xây dựng một trung tâm tài chính, dịch vụ tại TP Thủ Đức.
Chúng tôi đã có các nhóm đầu tư chiến lược để khi được lựa chọn trở thành đối tác chiến lược, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào xây dựng và trong 4 - 5 năm sẽ hình thành hai trung tâm tài chính tại TP HCM và Đà Nẵng", ông Jonathan Hạnh Nguyễn đề xuất.
Đóng góp ý kiến về Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức sắp tới, Bà Phạm Thị Huệ Linh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP) - Bộ Xây dựng chia sẻ việc quy hoạch TP Thủ Đức cần đáp ứng được nhu cầu, định hướng tương lai và cả ngắn hạn.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, hạ tầng giao thông chính là yếu tố quyết định sự thành công của TP Thủ Đức trong giai đoạn sắp tới.
Ông Châu cho rằng TP Thủ Đức phải tập trung phát triển về hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu đô thị. Chúng ta đã được Trung ương quyết định đầu tư tuyến metro số 1 và mở rộng xa lộ Hà Nội. Tuyến metro sẽ được kết nối lên Bình Dương, Biên Hòa.
Thành phố cũng sẽ được mở rộng quốc lộ 13 đoạn nối Bình Dương - cầu Bình Triệu; mở rộng xa lộ Đại Hàn (quốc lộ 1); khép kín vành đai 2; đầu tư đường vành đai 3 trong đó có đoạn kết nối từ Nhơn Trạch đi qua TP Thủ Đức.
Ngoài ra, trong nhiệm vụ quy hoạch chung mà Trung ương định hướng cho TP Thủ Đức còn có đường Nguyễn Duy Trinh ở quận 2 lên đường Tam Đa ở phía đông TP Thủ Đức...
Theo ông Châu, quy hoạch chung TP Thủ Đức hướng đến trở thành một đô thị có tính sáng tạo, tương tác cao, được xây dựng dựa trên ba trụ cột chính gồm Nhà nước, sáng tạo và cộng đồng doanh nghiệp.
Ngày 3/3, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức lễ động thổ dự án cảng hàng không Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.
Công trình khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá lớn về phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Lào Cai và khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, là lực đẩy mạnh mẽ để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và dịch vụ của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Dự án cảng hàng không Sa Pa tại Lào Cai có diện tích sử dụng đất khoảng 371 ha, tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Công suất giai đoạn 1 đáp ứng 1,5 triệu hành khách/năm.
Dự kiến thời gian thực hiện dự án sân bay Sa Pa 50 năm, gồm thời gian xây dựng 4 năm, thời gian khai thác và thu hồi vốn 46 năm, chia thành hai thành phần. Trong đó ,dự án giải phóng mặt bằng thực hiện theo hình thức đầu tư công; dự án xây dựng sân bay thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Thông tin tại buổi họp báo chiều ngày 3/3 do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế TP HCM tổ chức, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Bùi Hòa An cho biết, nhiều công trình giao thông lớn sẽ được xây dựng và hoàn thành trong năm nay. Trong đó, đáng chú ý là thông tin về tiến độ dự án Xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết, tuyến metro số 1 dự kiến sẽ chạy vận hành thử đoạn trên cao vào cuối quý III (cuối tháng 9) năm nay. Dự kiến trong cuối quý III, đầu quý IV tuyến sẽ được đưa vào sẽ vận hành thương mại.
Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Long Thành ngày 2/3, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết hiện nay, huyện Long Thành đã đạt 33/59 tiêu chí của một đô thị.
Các tiêu chí còn lại, cố gắng phấn đấu để có thể đến năm 2025, Long Thành trở thành thành phố, bỏ qua bước từ huyện lên thị xã.
Theo đồ án quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, vùng huyện Long Thành sẽ được phân thành 5 phân vùng phát triển, gồm vùng thị trấn Long Thành hiện hữu mở rộng thêm với khu phức hợp công nghiệp - đô thị dịch vụ, vùng đô thị Bình Sơn, khu dịch vụ thương mại - hỗn hợp phía tây của huyện, vùng đô thị chức năng đặc thù sân bay Long Thành và vùng công nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao phía nam sân bay Long Thành.
Hiện trên địa bàn huyện đang triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lớn nhất cả nước với quy mô hơn 16 tỷ USD, diện tích 5.000 ha. Công trình này hứa hẹn sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ, là cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của huyện Long Thành, mà còn của tỉnh Đồng Nai, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước nói chung.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức sáng 2/3, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội sắp xếp lại không gian phát triển.
Đây là lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai lập ở Việt Nam.
Mục tiêu của xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, từ đó, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao.
Dự kiến Quy hoạch tổng thể quốc gia được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm nay.
Sáng 1/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương, nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 5 dự án giao thông trọng điểm.
Các dự án có tổng chiều dài hơn 500 km, gồm đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 TP HCM, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu hoàn thành 2.000 km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này.
Cả nước đang triển khai hơn 700 km đường cao tốc theo kế hoạch đầu tư công trung hạn; cuộc họp vừa qua bàn về việc triển khai xây dựng thêm trên 500 km đường cao tốc, đường vành đai và thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các dự án khác.
Mới đây, cử tri Cao Bằng có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải ủng hộ chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao nối Bắc Kạn và Cao Bằng trong giai đoạn 2021- 2025 với chiều dài khoảng 90 km, quy mô đường cấp III, kinh phí đầu tư khoảng 9.600 tỷ đồng.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nếu các địa phương có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và có khả năng huy động được nguồn lực, đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn đánh giá hiệu quả đầu tư dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sớm triển khai thủ tục đầu tư tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng.
Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai đầu tư xây dựng dự án nhằm hoàn thiện kết nối theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được phê duyệt, phát huy hiệu quả khai thác tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn.
UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương giao tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 5 - vùng thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa bàn Hải Dương.
Tỉnh đề nghị hỗ trợ vốn ngân sách trung ương để thực hiện phần xây lắp; tỉnh sẽ bố trí ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Dự kiến, vành đai 5 qua địa bàn tỉnh Hải Dương có chiều dài 52,7 km, quy mô đường ô tô cao tốc 6 làn xe, nền đường rộng 33 m.
Kinh phí đầu tư khoảng 23.390 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 3.150 tỷ đồng; xây lắp và các chi phí khác là 18.400 tỷ đồng; dự phòng là 1.840 tỷ đồng.
Tuyến đường khi hoàn thành kỳ vọng góp phần giải quyết tình trạng quá tải và mất an toàn giao thông cho các tuyến quốc lộ 37, 38, 17B, 5 và 18; mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương và các tỉnh trong vùng thủ đô Hà Nội.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp về kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện Dự án thành phần 1A - Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường vành đai 3 TP HCM.
Bộ yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận rà soát, kiện toàn bộ máy điều hành, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về năng lực, kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận được giao khẩn trương phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo điều kiện khởi công trong tháng 3/2022.
Về thủ tục lựa chọn nhà thầu, Bộ giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp với Cục Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông khẩn trương hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công dự án trong tháng 3/2022.
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 04/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 21/12/2024
Quy hoạch 07:00 | 14/12/2024
Quy hoạch 12:04 | 07/12/2024