Tại buổi "Tọa đàm doanh nghiệp Đóng góp ý tưởng Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức" diễn ra sáng nay 5/3, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết đã ấp ủ nhiều năm kế hoạch xây dựng một trung tâm tài chính, dịch vụ tại TP Thủ Đức.
Trong 8 định hướng phát triển TP Thủ Đức do đơn vị tư vấn đề xuất, ông Jonathan Hạnh Nguyễn đã đưa ra ba ý kiến.
Đối với việc phát triển trung tâm tài chính Thủ Thiêm, ông cho rằng TP Thủ Đức cần chuẩn bị hành lang pháp lý đi kèm với quy hoạch, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa Thủ Thiêm với các khu vực lân cận trong TP Thủ Đức, với các quận trong TP HCM và các tuyến đường liên tỉnh.
Thứ hai, cần có kế hoạch và phương án phát triển nguồn nhân sự có tay nghề cao trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, thông qua việc hợp tác với các nhà đầu tư để chuyển giao công nghệ, hoặc các trường đại học trong nước/quốc tế mở các khóa đào tạo, hoặc hỗ trợ chính sách cho các công ty khởi nghiệp, nhất là đối với lĩnh vực tài chính, công nghệ.
Thứ ba, đối với việc phát triển các trung tâm thương mại tập trung, vui chơi giải trí và du lịch, TP Thủ Đức cần quy hoạch một khu đô thị có điều kiện hạ tầng thuận lợi để phát triển thành đô thị kiểu mẫu, từ đó hình thành chuỗi khu thương mại, dịch vụ tập trung cao cấp, đáp ứng được các điều kiện mà các thương hiệu cao cấp đặt ra.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch một khu vui chơi giải trí công nghệ cao như Disneyland và khu hoạt động về đêm để thu hút khách địa phương và khách du lịch. Đi kèm là hình thành những chính sách, cơ chế đặc thù hỗ trợ các hoạt động vui chơi giải trí về đêm tại thành phố.
Để tiến tới xây dựng thành phố thông minh, các cơ quan nhà nước cần có giải pháp số hóa và lộ trình chuyển đổi công nghệ với các thủ tục hành chính công. TP Thủ Đức cũng có thể lập kênh đối thoại chính thức với người dân và doanh nghiệp trực tiếp trên các kênh mạng xã hội để giải đáp thắc mắc, tiếp nhận phản hồi.
Cùng với đó, cần quy hoạch tổng thề và phân kỳ thực hiện đầu tư đối với các hệ thống quản lý hạ tầng tập trung như giao thông, điện, viễn thông, cấp nước, rác thải,...
Quy hoạch cũng cần tính đến việc phát triển hệ thống giao thông cộng cộng trở thành giải pháp di chuyển chính cho người dân trong tương lai. Có giải pháp đầu tư và ưu tiên sử dụng các năng lượng sạch.
Với những dự án đầu tư ở khu vực trọng điểm có quy mô lớn, thay vì chia nhỏ thành các dự án thành phần thì nên tìm kiếm những nhà đầu tư chiến lược hoặc liên danh đủ năng lực, tiềm lực thực hiện đầu tư theo tiến độ nhanh nhất.
"Với kinh nghiệm tài trợ cho đề án trung tâm tài chính của TP HCM, chúng tôi sẽ hỗ trợ TP Thủ Đức quy hoạch một số khu vực để trở thành khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại và du lịch.
Chúng tôi đã có các nhóm đầu tư chiến lược để khi được lựa chọn trở thành đối tác chiến lược, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào xây dựng và trong 4 - 5 năm sẽ hình thành hai trung tâm tài chính tại TP HCM và Đà Nẵng", ông Jonathan Hạnh Nguyễn đề xuất.