UBND TP HCM mới đây có văn bản khẩn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về bổ sung, giải trình làm rõ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP HCM. Trong đó có nội dung quan trọng về khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến của dự án để tạo nguồn vốn.
Xem thêm: Thông tin mới nhất về dự án Vành đai 3 TP HCM
Theo kết quả rà soát sơ bộ, quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường vành đai 3 TP HCM có thể đấu giá quyền sử dụng đất gắn với việc tính toán nguồn thu ngân sách từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường trên các địa phương.
Cụ thể, trên địa bàn TP HCM có khoảng 2.413,4 ha, trong đó khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý. Dự kiến, đối với phạm vi đất nông nghiệp này có thể khai thác bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỷ đồng.
Đối với các quỹ đất còn lại, tiếp tục rà soát, xác định cụ thể, chính xác diện tích, vị trí, đề xuất điều chỉnh quy hoạch và các nội dung khác có liên quan, đảm bảo tính khả thi để tạo nguồn vốn.
Thứ hai, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 214 ha. Giá trị có thể thu về cho ngân sách sau khi đấu giá các khu đất khoảng 4.332 tỷ đồng.
Thứ ba, trên địa bàn các tỉnh Bình Dương và Long An đang tiếp tục rà soát, cập nhật các quỹ đất có thể khai thác.
Trong bước tiếp theo, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát. Các quỹ đất nêu trên sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp và tổ chức đấu giá để tạo nguồn thu ngân sách.
Theo UBND TP HCM, việc đấu giá đất tạo nguồn thu có thể được xem là một giải pháp để thực hiện dự án vành đai 3. Nếu đấu giá tốt, chỉ với gần 27.000 tỷ đồng tiền thu được theo dự kiến từ việc đấu giá đất nông nghiệp, TP HCM có thể không tốn tiền làm đường vành đai 3.
Vì theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, về cơ cầu nguồn vốn, TP HCM phải bỏ ngân sách địa phương tham gia hơn 24.000 tỷ đồng, còn lại Trung ương hỗ trợ hơn 24.000 tỷ đồng.
Còn tỉnh Đồng Nai tiền đấu giá đất nhiều hơn tiền bỏ ra làm dự án. Trong cơ cấu vốn, tỉnh này chỉ phải bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng tiền ngân sách địa phương tham gia, trong khi tiền đầu giá đất dự kiến thu về hơn 4.300 tỷ đồng.
Cuối tháng 1/2022, UBND TP HCM đã có Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng vành đai 3 với tổng mức đầu tư khái toán khoảng 75.777 tỷ đồng.
Tuyến đường dài gần 92 km, đi qua địa bàn TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, được chia làm 4 đoạn lớn.
Dự tính thời gian chuẩn bị đầu tư thực hiện từ nay đến năm 2023; giai đoạn 2023-2024, dự án sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng; năm 2025, việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến và sẽ hoàn thiện dự án năm 2026.
UBND TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đề xuất dự án đầu tư công. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% (khoảng 39.990 tỷ đồng) tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; 100% tổng mức đầu tư dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An.
Ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án: TP HCM khoảng 24.380 tỷ đồng; Đồng Nai là 1.624 tỷ đồng; Bình Dương khoảng 9.781 tỷ đồng.