Theo Dự thảo quy hoạch TP Thủ Đức đến năm 2040, thành phố sẽ định hướng phát triển đối với 8 khu vực đặc trưng trên địa bàn. Cụ thể như sau:
Phân vùng Thủ Thiêm là khu đô thị Trung Tâm của TP Thủ Đức và TP HCM, bao gồm bán đảo Thủ Thiêm, khu đô thị mới Thảo Điền, An; nằm giáp với sông Sài Gòn về phía Tây và phía Nam, đường Mai Chí Thọ về phía đông.
Định hướng quy hoạch khu vực Thủ Thiêm thành khu đô thị thương mại, tài chính. Khu vực này có giá trị đặc trưng của khu đô thị trung tâm ven sông Sài Gòn và vùng rừng ngập mặn ở phía đông nam.
Ngoài ra, nhà thờ có tính lịch sử nằm gần ga tàu điện ngầm mới là điểm thu hút mang lại giá trị văn hóa đáng kể cho các dự án mới trong khu vực này. Hệ thống đường đi bộ và đường giao thông kết nối với tuyến tàu điện ngầm khiến khu vực này có thể trở thành tụ điểm hoạt động sầm uất.
Khu vực Thủ Thiêm cũng sẽ có một khu trung chuyển lớn, kết hợp tuyến giao của các đường giao thông công cộng khác nhau và tuyến đường sắt cao tốc, biến khu vực Thủ Thiêm trở thành điểm nhấn giao thông liên vùng quan trọng.
Với quỹ đất còn chưa xây dựng, việc khuyến khích gia tăng dân số và hệ số sử dụng đất tại Phân vùng số 1 là cần thiết, để tận dụng và tối ưu được vị trí thuận lợi, gần trung tâm, với tiềm năng đầu tư phát triển vô cùng lớn.
Phân vùng số 2 là khu vực Hiệp Bình - Khu đô thị cửa ngõ về phía tây bắc của TP Thủ Đức kết nối với tỉnh Bình Dương, nằm giáp với sông Sài Gòn về phía tây và tây nam, đường Tô Ngọc Vân về phía đông; gồm các khu vực tiêu biểu như Vạn Phước, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Tam Phú.
Định hướng phát triển nâng cao tầm quan trọng về lịch sử và văn hóa của cộng đồng hiện hữu bằng cách tạo ra và kết nối với mạng lưới không gian mở rộng lớn và bờ sông. Lựa chọn những quỹ đất khả thi để tiếp tục quy hoạch công viên. Giữ lại cải tạo và nâng cấp, khuyến khích tái phát triển các khu dân cư hiện hữu trong hạm vi quy hoạch khu công viên trước đây.
Bổ sung một số khu vực đô thị phát triển mới xung quanh khu Công viên Tam Phú để gia tăng giá trị đất và gắn kết trực tiếp với không gian công viên (không bị đường cơ giới chia cắt). Cung cấp các tuyến phố xanh hoặc tuyến cảnh quan theo hướng đông - tây và bắc - nam, kết nối công viên với các cộng đồng dân cư hiện hữu.
Nạo vét, mở rộng hệ thống mặt nước, tổ chức các khu trung tâm đô thị hỗn hợp với hệ số sử dụng đất cao, khai thác giá trị cảnh quan mặt nước và kết nối thuận lợi với tuyến giao thông công cộng mới.
Tuyến xe điện đô thị (LRT) mới chạy theo hướng bắc - nam dọc theo rìa phía đông của khu vực và một tuyến tàu điện ngầm chạy dọc theo rìa phía tây của khu vực.
Phân vùng số 3 là khu đô thị ven sông phía tây nam của thành phố, với sông Sài Gòn về phía nam và phía tây, giáp với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây về phía bắc; bao gồm các khu tiêu biểu như Thạnh Mỹ Lợi và cảng Cát Lái.
Định hướng quy hoạch sẽ phát triển khu đô thị thương mại dịch vụ, cảng, và công nghiệp kết nối thuận lợi với các khu động lực phát triển khác của TP HCM, với trọng tâm là khu đô thị mới ven sông Sài Gòn tại khu vực đường 103-TML kéo dài (tại khu vực này không bố trí đường cơ giới đi ven sông mà bố trí các dãy phố đô thị tiếp cận trực tiếp với không gian ven sông).
Khu vực cuối đường Trương Văn Bang giáp đường Võ Chí Công - khu vực có quỹ đất để phát triển và thuận lợi kết nối giao thông, trở thành khu đô thị trung tâm khu vực với tổ chức không gian thuận lợi cho giao lưu công cộng và phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại.
Khu vực cảng Cát Lái sẽ được bổ sung hỗn hợp các chức năng thành khu đô thị dịch vụ logistic và cảng Cát Lái để tạo sự hài hòa, sôi động cho khu công nghiệp cảng, giảm việc quy hoạch và thiết kế đơn năng.
Quy hoạch tuyến đường liên cảng kết nối với vành đai 3 và cao tốc Long Thành - Dầu Giây để đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hoá trong giai đoạn ngắn hạn cũng như dài hạn. Quy hoạch xây dựng hệ thống đường sắt hàng hóa kết nối cảng Cát Lái với hệ thống đường sắt quốc gia và quy hoạch phát huy hệ thống đường thuỷ.
Đây là phân vùng số 4, bao gồm hai khu vực phát triển mới là khu vực cảng cũ Trường Thọ và khu đô thị thể thao - sức khỏe Rạch Chiếc, nằm giáp với sông Sài Gòn, đối diện bán đảo Thanh Đa về phía tây.
Việc kết hợp khu vực Rạch Chiếc và khu vực Trường Thọ thành một khu vực đặc trưng lớn để tạo được sức hút về mặt đầu tư, kiến tạo các hành lang kết nối hai khu vực và với bờ sông Sài Gòn, đồng thời kết nối về phía bắc với khu vực chợ Thủ Đức, tạo nên điểm nhấn giữa phát triển xưa và nay.
Về chức năng, khu Rạch Chiếc ngoài chức năng thể thao với quy mô khoảng 50 ha, đáp ứng chức năng trung tâm TDTT cấp vùng và quốc gia, bổ sung các chức năng như y tế, dịch vụ, hỗn hợp bao gồm nhà ở, giáo dục, công trình công cộng, nghiên cứu… Các kết nối giao thông hiện có với các điểm đến trong vùng, trong đó có cảng hàng không, giúp cho Rạch Chiếc có tiềm năng trở thành một khu đô thị TDTT chất lượng.
Khu vực Trường Thọ là một địa điểm lý tưởng để tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, tận dụng vị trí nằm ven sông Sài Gòn và gần khu Thảo Điền và các lõi đô thị khác cho việc kiến tạo nơi chốn. Những ý tưởng công nghệ sẽ diễn ra tại khu cảng cũ Trường Thọ.
Với tầm nhìn trở thành một mô hình cho sự tích hợp công nghệ vào đời sống, Trường Thọ có vai trò như một khu đô thị mới, với những hạ tầng xanh và tương tác, phương thức vận tải mới và thông tin mới.
Không gian công cộng dọc theo hai bên bờ kênh tạo ra hoạt động liên tục trong các khu vực hoạt động thể thao, các công ty liên quan đến thể thao và cụm sân vận động.
Phân vùng số 5 là khu vực Linh Trung và khu vực trung tâm của quận Thủ Đức cũ, giáp với Đại học Quốc Gia và TP Dĩ An về phía bắc, giáp với Xa lộ Hà Nội về phía nam.
Quy hoạch tích hợp các chức năng sản xuất tiên tiến, giáo dục, nghiên cứu và đô thị thương mại dịch vụ để thúc đẩy nền công nghiệp sáng tạo tại khu Linh Trung và phát triển khu vực này với hiệu quả cao hơn, gắn với hệ thống giao thông công cộng và tuyến đường kết nối liên vùng.
Giữ gìn và phát huy khu chợ Thủ Đức, khuyến khích tái phát triển khu làng đại học, tạo kết nối đường bộ với khu Linh Trung, nhằm tích hợp giữa cũ và mới, tạo nét đặc trưng riêng cho khu vực số 5.
Tổ chức hành lang xanh trung tâm tạo điều kiện cho việc tổ chức các không gian hợp tác và trao đổi, liên kết các khu vực sản xuất và nghiên cứu, liên kết tới trường Đại học Quốc gia tại phía bắc, và tới Khu công nghệ cao TP HCM tại phía nam.
Trục đường giao thông công cộng đông - tây cho phép việc kết nối trực tiếp khu vực này với khu trường đại học, các trung tâm sáng tạo, và công viên công nghệ cao. Đường giao thông công cộng này kết hợp với hệ thống MRT hiện hữu sẽ tăng cường kết nối đến các khu vực khác của TP HCM và mạng lưới giao thông kết nối vùng.
Không gian mở trung tâm kết nối khu công viên trung tâm của trường Đại học Quốc gia ở phía bắc và hệ thống sông ngòi ở phía đông - nam. Không gian này được bao quanh bởi những công trình, trong đó có một cụm công nghiệp sản xuất ở phía tây và một trung tâm phức hợp R&D nằm ở phía đông.
Phân vùng số 6 bao gồm khu công nghệ cao TP HCM, và các khu dân cư lân cận, nằm về phía bắc của đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây.
Hạt nhân của khu vực này là Khu công nghệ cao TP HCM. Định hướng tạo lập các không gian cho hợp tác sản xuất, nghiên cứu và tạo mẫu sản phẩm bằng cách phát triển quy mô các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ để giao tiếp với các ngành công nghiệp lớn và các cơ sở sản xuất hiện có trong khu vực. Trục phát triển đa chức năng kết nối các cụm nghiên cứu mới, các cụm trường đại học và các ngành công nghiệp quy mô nhỏ lân cận.
Quy hoạch các không gian sáng tạo giúp kết nối giới tinh anh trong các mảng thiết kế, nghiên cứu và giới doanh nhân, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các cá nhân này. Thiết kế cảnh quan hướng đến người đi bộ, tích hợp với công nghệ thu gom và xử lí nước mưa tiên tiến.
Cùng với đó, phát triển các khu chức năng đô thị mới tại các khu vực còn quỹ đất có thể chuyển đổi ở phía nam của khu vực này.
Phân vùng số 7 là khu đô thị sinh thái Long Phước - Tam Đa, bao gồm khu vực Long Phước, được bao bởi sông Đồng Nai về phía đông và sông Tắc về phía tây, là khu vực cửa ngõ kết nối với Đồng Nai; và các khu vực phát triển bên kia bờ sông Tắc, cùng với khu Tam Đa, nằm về phía nam của rạch Chiếc.
Đô thị sinh thái Long Phước - Tam Đa sẽ là một mô hình phát triển ven sông mới, kết hợp giữa việc phát triển đô thị có hệ số sử dụng đất cao nhưng mật độ xây dựng thấp (chủ yếu là cao tầng).
Về phía nam, trạm trung chuyển Tam Đa và các cơ sở giáo dục đại học đan xen trong khu đô thị là cơ hội để tạo dựng những điểm nhấn đô thị quan trọng. Về phía Bắc quy hoạch Khu đô thị công nghệ cao số 2 kết nối với khu công nghệ cao (số 1) TP HCM.
Đường sắt tốc độ cao sẽ kết nối khu vực Long Phước với các điểm đến trong vùng, đặc biệt là với sân bay Long Thành và TP HCM. Đường MRT và BRT mới chạy dọc trục phát triển đô thị mới, tạo dựng nên một khu vực phát triển kết nối tốt, có sức hấp dẫn dân cư và người lao động chất lượng cao.
Phân vùng số 8 là khu đô thị xanh Long Bình, bao gồm khu vực phía bắc của Rạch Chiếc, phía đông của Rạch Gò Công, và phía nam của Xa lộ Hà nội, với các khu vực đặc trưng là sân golf Long Bình, công viên Suối Tiên, và công viên văn hoá - lịch sử.
Tổ chức mạng lưới các không gian mở với các điểm đến có cảnh quan đa dạng từ đất ngập nước tới rừng - và hạ tầng giao thông kết hợp với mảng xanh cảnh quan, các khu vực giữ nước nhằm bảo vệ các khu vực dân cư ở hạ lưu.
Đề xuất các tuyến giao thông công cộng kết nối qua khu đô thị, phần lớn khoảng cách giữa các khu dân cư mới và các bến giao thông công cộng (GTCC) sẽ là khoảng 10 - 15 phút đi bộ. Các nhánh GTCC này sẽ liên kết từ phía nam với khu đô thị nước Long Phước, và tới các bến GTCC.
Khu trung tâm ở phía tây khu đất có điều kiện thuận lợi để kết nối giao thông liên vùng. Tàu thuỷ buýt sẽ cung cấp thêm kết nối giao thông dọc các khu dân cư ven sông và khu đảo công viên văn hoá.
Cùng với đó, kéo dài tuyến metro số 1 qua khu depo và tổ chức thêm một ga mới tiếp xúc với phía nam của khu công viên văn hoá - lịch sử và kết nối với các khu đô thị trong khu vực.