Nhiều dự án giao thông nghìn tỷ đang và sắp làm qua TP Thủ Đức ngoài vành đai 3 vừa khởi công

Hiện nay, có nhiều dự án giao thông quy mô lớn lớn đang và sắp đầu tư ở TP Thủ Đức, TP HCM.

 Một góc TP Thủ Đức hiện nay. (Ảnh: Hải Quân).

Theo Đồ án Quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, TP Thủ Đức là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu TP HCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm và các tỉnh phía đông của vùng TP HCM.

Hiện nay, có nhiều dự án giao thông lớn đang và sắp đầu tư ở TP Thủ Đức. Dưới đây là một số dự án điển hình nhất. 

Vành đai 3 TP HCM

Tuyến vành đai 3 TP HCM, đây là tuyến vành đai có vai trò quan trọng đối với việc kết nối toàn vùng Đông Nam bộ, ngày 18/6 vừa qua, tại TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công của dự án này.

Đường vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài hơn 76 km đi qua 4 địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành phố thực hiện hai dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Theo kế hoạch, đường vành đai 3 TP HCM sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), đầu tư không liên tục. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương.

Trên địa bàn TP Thủ Đức, tuyến vành đai 3 sẽ đi qua các phường gồm Long Trường, Trường Thạnh, Long Thạnh Mỹ và Long Bình.

 Một đoạn đường vành đai 3 sẽ mở đi qua phường Long Bình, TP Thủ Đức. (Ảnh: Hải Quân).

Cầu Nhơn Trạch 

Đây là cây cầu nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Cây cầu này thuộc dự án thành phần 1A của đường vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1.

Dự án thành phần 1A có chiều dài khoảng 8 km, gồm 6,3 km qua địa bàn Đồng Nai và 1,92 km đi qua địa bàn TP HCM, được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h. Bề rộng nền đường từ 20,5 m - 26 m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 6.955 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là 2.250 tỷ đồng (gồm Đồng Nai 651 tỷ đồng và TP HCM 1.599 tỷ đồng).

 Khu vực xây dựng cầu Nhơn Trạch thuộc tuyến vành đai 3 TP HCM, nối TP Thủ Đức - Đồng Nai. (Ảnh: Hải Quân).

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)  

Đây là tuyến metro đầu tiên của TP HCM và vùng Đông Nam Bộ. Tuyến metro này dài khoảng 19,7 km với 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son) và 11 ga trên cao, tổng mức đầu tư khoảng 43.700 tỷ đồng. Tuyến này có tổng cộng 17 đoàn tàu; mỗi đoàn tàu chở tối đa 930 khách.

Theo thiết kế, đoạn trên cao có tốc độ tối đa là 110 km/h, nhưng quá trình chạy thử, để đảm bảo an toàn, đoàn tàu chỉ chạy tối đa tốc độ dưới 50 km/h. Dự án chính thức khởi công xây dựng vào năm 2012. Thời điểm hoàn thành thi công dự kiến cuối quý IV năm nay.

Metro Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh tư liệu: Khải An).

 

Vành đai 2 TP HCM 

Vành đai 2 TP HCM đoạn kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, quốc lộ 1 (thuộc TP Thủ Đức) được TP HCM dự kiến thi công trở lại ngay trong năm nay.

Dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, quốc lộ 1 có tổng vốn đầu tư BT hơn 2.765 tỷ đồng, với thời gian thực hiện 2015 - 2023. Dự án tạm ngưng thi công từ 2020 do vướng một số thủ tục pháp lý. Dự án này hoàn thành sẽ khép kín đường Vành đai 2 của thành phố.

 Một đoạn vành đai 2 TP HCM kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa. (Ảnh: Hải Quân).

Nút giao An Phú

Đây là nút giao thông lớn nhất TP HCM. Dự án này được khởi công vào cuối tháng 12/2022.

Nút giao An Phú là dự án tháo gỡ điểm nghẽn về ùn tắc giao thông ở khu vực phía đông TP HCM, được phê duyệt ngày 28/3/2022 với tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng.

Theo đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng một nút giao thông khác mức hoàn chỉnh ba tầng tại khu vực nút giao đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ.

Quy mô mặt cắt ngang phần đường từ 10 đến 12 làn xe, phần hầm 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh 2 làn xe. Dự án cũng xây dựng một số cầu, cầu bộ hành và hạng mục khác để đồng bộ tại khu vực nút giao này. Toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào 30/4/2025. 

 Khu vực xây dựng nút giao thông An Phú. (Ảnh: Hải Quân).

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây mở rộng

Đây là tuyến cao tốc duy nhất đang khai thác tại TP Thủ Đức. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) huy động nguồn lực để mở rộng cao tốc này.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được quy hoạch với quy mô 10 làn xe.

Hiện tại, giai đoạn 1 của dự án với quy mô 4 làn xe đã được VEC đầu tư và đưa vào khai thác năm 2016. Theo tính toán, phạm vi cao tốc từ TP HCM (nút giao An Phú) đến Long Thành (nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) dài khoảng 26 km đã khai thác vượt so với năng lực thông hành của tuyến, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải.

Trước đó, VEC cũng đã đề xuất tự bố trí nguồn vốn khoảng 14.700 tỷ đồng để mở rộng tuyến cao tốc này lên 8 - 10 làn xe. Thời gian thực hiện từ quý IV/2022 đến quý I/2026.

 Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay. (Ảnh: Báo Thanh niên).

 Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành 

Theo tìm hiểu, hiện TP HCM và các địa phương liên quan đang nghiên cứu phương thức, phương án đầu tư cao tốc này trình cơ quan có thẩm quyền. 

Theo quy hoạch, đoạn qua TP Thủ Đức dài khoảng 1,5 km, từ nút giao Gò Dưa (đường vành đai 2) đi trên cao đến giáp ranh tỉnh Bình Dương, chi phí đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc này là công trình quan trọng kết nối giao thông giữa các tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương với TP HCM, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.