Toàn cảnh cao tốc TP HCM - Long Thành đoạn nút giao An Phú - vành đai 2 sắp mở rộng gấp đôi

Cao tốc TP HCM - Long Thành đoạn từ nút giao thông An Phú - vành đai 2 với chiều dài khoảng 4 km, đi qua các phường An Phú và Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức.

Cao tốc TP HCM - Long Thành đoạn từ nút giao thông An Phú - vành đai 2 năm tại TP Thủ Đức, với chiều dài khoảng 4 km, đi qua các địa phương là phường An Phú và phường Bình Trương Đông, TP Thủ Đức.

Tại điểm đầu của cao tốc này, dự án giao thông An Phú - nút giao thông lớn nhất của TP HCM hiện đang được thi công xây dựng. Nút giao thông An Phú là một trong những dự án trong điểm của TP HCM giai đoạn 2021 - 2025, với tổng mức đầu tư là 3.408 tỷ đồng. 

Thông tin từ Báo Đầu tư, Bộ GTVT vừa qua đã có Công văn gửi Sở GTVT TP HCM để tham gia ý kiến về đề xuất chủ trương đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú - đường vành đai 2. Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư và đưa vào khai thác năm 2016.

Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng cao (trung bình hơn 10%/năm). Theo tính toán của Tư vấn, phạm vi cao tốc từ TP HCM (nút giao An Phú) đến Long Thành (nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) dài khoảng 26 km đã khai thác vượt quá 25% so với năng lực thông hành của tuyến, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải.

Theo đề xuất của Sở GTVT TP HCM, đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 sẽ được mở rộng hai bên, mỗi bên 4,75 m, đảm bảo quy mô 8 làn xe, bề rộng nền đường 36 m, khổ cầu tương ứng với khổ đường. Tổng mức đầu tư dự án là 1.105 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 0 đồng; chi phí xây dựng là 874 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 87 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 144 tỷ đồng.

Sở GTVT TP HCM cũng dự kiến phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư trong quý III; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý IV; lựa chọn nhà thầu thi công trong quý II/2024; tổ chức triển khai xây dựng từ quý III/2024 đến quý IV/2025.

Cũng theo hồ sơ đề xuất, đoạn tuyến cao tốc từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 đã được GPMB và đang được địa phương quản lý theo lộ giới bề rộng 116 m, trong đó đã cơ cấu đủ cho đường bộ cao tốc (quy mô 8 làn xe bề rộng 36 m) và hai tuyến đường sắt tốc độ cao Nha Trang - TP HCM; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành (bề rộng dải đất dành cho đường sắt rộng 40 m) và đường đô thị song hành hai bên (mỗi bên rộng 20 m).

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban quản lý dự án Đường sắt khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của 2 dự án đường sắt tốc độ cao Nha Trang - TP HCM và đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT TP HCM quan tâm, phối hợp và hỗ trợ Ban QLDA Đường sắt trong quá trình tham gia ý kiến về hồ sơ các dự án.

 Cận cảnh nút giao giữa cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường vành đai 2 (đường Võ Chí Công) hiện nay. 

 Nút giao giữa cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường vành đai 2 TP HCM.