Bức tranh 6 tuyến cao tốc qua TP HCM theo quy hoạch

Theo Dự thảo Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn thành phố sẽ có 6 tuyến cao tốc đi qua, trong đó có hai tuyến là đường vành đai.

Một đoạn cao tốc TP HCM - Trung Lương hiện nay. (Ảnh: Kinh tế Đô thị).

Theo Dự thảo Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn thành phố sẽ có tổng cộng 4 tuyến cao tốc và hai tuyến vành đai (quy mô cao tốc) đi qua.

Theo đó, 4 tuyến cao tốc bao gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT 01) đoạn đi qua địa bàn thành phố, trước năm 2030 đạt tiêu chuẩn đường cao tốc quy mô 6 - 8 làn xe.

Tuyến cao tốc gồm ba đoạn là cao tốc Long Thành (Đồng Nai) - Bến Lức (Long An), đoạn qua địa phận TP HCM dài 25 km, điểm đầu giao cao tốc TP HCM - Trung Lương, điểm cuối tại cầu Phước Khánh, quy mô 8 làn xe.

Cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ mở rộng quy mô 8 làn xe.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) (CT 29), mở rộng đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với quy mô 10 làn xe.

Cao tốc TP HCM - Hoa Lư (Bình Phước) (CT 30) đoạn qua địa phận TP HCM dài 1,5 km, điểm đầu vành đai 3, điểm cuối ranh giới tỉnh Bình Dương; dự kiến đầu tư trước 2030 với quy mô 6 làn xe.

Theo quy hoạch, tuyến đường có chiều dài 69 km, trong đó 28 km đường đi trên cao, 1,5 km đường dẫn cao tốc.

Cao tốc TP HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) (CT 31) đoạn qua địa phận TP HCM dài 24 km, điểm đầu vành đai 3, điểm cuối ranh giới tỉnh Tây Ninh; dự kiến đầu tư trước 2030 với quy mô 6 làn xe.

Cao tốc này có chiều dài toàn tuyến khoảng 51 km. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 21.527 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước tham gia dự án là 9.827 tỷ đồng; Phần vốn nhà đầu tư BOT là 11.700 tỷ đồng.

Cao tốc TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng (CT 33) đoạn qua địa phận TP HCM dài 9 km, điểm đầu giao cao tốc Bến Lức - Long Thành tại huyện Nhà Bè, điểm cuối ranh giới tỉnh Long An; dự kiến đầu tư trước 2030 với quy mô 4 làn xe.

Về hướng tuyến, tuyến đi theo hướng đông nam, nối TP HCM qua các tỉnh Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 150 km. 

 Hệ thống cao tốc, vành đai quy hoạch qua TP HCM. (Ảnh chụp từ văn bản dự thảo Quy hoạch).

Hai tuyến vành đai đi qua địa bàn bao gồm vành đai 3 (CT 40) đoạn đi trên địa phận thành phố dài khoảng 47,5 km; quy mô 8 làn xe. Đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tuyến vành đai 3 hiện nay đang được triển khai xây dựng trên toàn tuyến.

Đường vành đai 3 TP HCM là dự án trọng điểm quốc gia, có tổng chiều dài gần 76 km đi qua địa bàn TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng.

Vành đai 4 (CT 41) đoạn đi trên địa phận thành phố dài khoảng 17 km, quy mô 8 làn xe; theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 60 - 80 km/h.

Tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 200 km, đi qua địa bàn 5 địa phương gồm TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có điểm đầu tại điểm giao với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và kết thúc tại cảng Hiệp Phước (TP HCM). 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.