Theo Dự thảo Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với phương án quy hoạch hệ thống đô thị, TP HCM sẽ có tổng cộng 5 đô thị, trong đó có ba đô thị vệ tinh mới.
Theo đó, về phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính, có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, về cơ bản vẫn giữ nguyên; 80/312 đơn vị hành chính cấp xã trong diện cần sắp xếp lại.
Dân số đô thị (chính thức) là 10,5 triệu người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 95%; tổng quy mô đất đô thị là 153.441 ha; bình quân 146,1 m2/người.
Về định hướng phát triển hệ thống đô thị, toàn TP HCM là đô thị loại đặc biệt, có 5 đô thị bao gồm một đô thị trung tâm loại đặc biệt; TP Thủ Đức loại I; ba thành phố vệ tinh là thành phố phía bắc gồm huyện Hóc Môn - huyện Củ Chi (loại III), thành phố phía tây gồm huyện Bình Chánh (loại III) và thành phố phía nam gồm quận 7 - huyện Nhà Bè - huyện Cần Giờ (loại III).
Ranh giới chính thức của các thành phố trực thuộc TP HCM được xác định tại đề án thành lập các thành phố này.
Dưới đây là bảng định hướng phát triển đô thị TP HCM:
Bên cạnh quy hoạch đô thị, đối với phương án quy hoạch nông thôn, đến năm 2030, quy mô dân số nông thôn khoảng 484.000 người, chiếm khoảng 4,4% dân số toàn thành, được phân bố trong 19 xã.
Đến năm 2030, diện tích lãnh thổ nông thôn của thành phố là khoảng 61.354 ha. Lãnh thổ nông thôn được tổ chức gắn với sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp đô thị, sinh thái, bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá.
Hệ thống các điểm dân cư nông thôn đến năm 2030 gồm 19 xã ngoại thành, được quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn, giảm tối đa mức độ chênh lệch về trình độ phát triển so với các khu vực đô thị.