Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (24/2 - 1/3): Duyệt quy hoạch chung Cam Lâm, cả nước sáp nhập 50 huyện trong năm nay

Cả nước sáp nhập 50 huyện trong năm nay; duyệt quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm; Hà Nội dự kiến sáp nhập 25 phường tại 5 quận... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Cả nước sáp nhập 50 huyện trong năm nay

Theo VnExpress, chiều 28/2, tại phiên họp Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp huyện xã giai đoạn 2023 - 2030, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 56 tỉnh thành có huyện, xã thuộc diện sáp nhập đã xây dựng xong phương án.

Trong 50 huyện sẽ sáp nhập thì 11 huyện bắt buộc, 16 huyện khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Sau sáp nhập, toàn quốc dự kiến giảm 14 huyện. 19 huyện thuộc diện sáp nhập nhưng địa phương đề nghị không thực hiện do có yếu tố đặc thù.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt vẫn chậm tiến độ

Bộ GTVT vừa qua đã có công điện yêu cầu chủ đầu tư/doanh nghiệp dự án và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Hiện nay, sản lượng thi công toàn dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt mới đạt khoảng gần 72% giá trị hợp đồng, chậm 5,14% so với tiến độ điều chỉnh lần 4 và hơn 10% tiến độ điều chỉnh lần 3 của doanh nghiệp dự án.

Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. (Ảnh: Báo Chính phủ). 

Khối lượng còn lại rất lớn (khoảng hơn 28%), trong khi thời gian còn lại rất ngắn (2,5/36 tháng).

Hà Nội dự kiến sáp nhập 25 phường tại 5 quận 

Thông tin từ VnExpress, theo phương án sáp nhập của thành phố, quận Đống Đa sẽ giảm hai phường, trong đó sáp nhập phường Khâm Thiên và Trung Phụng; phường Ngã Tư Sở nhập vào Khương Thượng và Thịnh Quang; Trung Tự vào Phương Liên và Kim Liên.

Quận Hà Đông giảm hai phường khi nhập Yết Kiêu, Nguyễn Trãi và Quang Trung thành một phường mới. Quận Hai Bà Trưng giảm ba phường sau khi nhập Đồng Nhân và Đống Mác, Quỳnh Lôi với Bạch Mai, Cầu Dền vào Bách Khoa và Thanh Nhàn.

 Hà Nội dự kiến sáp nhập 25 phường tại 5 quận. (Ảnh: Báo Xây dựng).

Quận Long Biên giảm một phường khi nhập Sài Đồng vào Phúc Đồng và Phúc Lợi. Quận Thanh Xuân giảm hai phường do sáp nhập Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam, Hạ Đình vào Kim Giang.

Cầu Rạch Miễu 2 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 

Theo TTXVN, sáng 27/2, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cùng đoàn cán bộ của đơn vị đến hiện trường kiểm tra tiến độ thi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đến nay dự án cầu Rạch Miễu 2 đã triển khai thi công 6/6 gói thầu. Tổng giá trị sản lượng của các hợp đồng đang thi công là 1.302 tỷ đồng (đạt 39,43%), chậm 2,78% so với kế hoạch.

 Thi công cầu Rạch Miễu 2. (Ảnh: Báo An Giang).

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận xây dựng lại tiến độ dự án, hoàn thành phía Bến Tre năm 2024; cầu chính và đường phía Tiền Giang cuối năm 2025. Qua đó, kịp hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.

7 đường sắt dự kiến quy hoạch qua TP HCM

Theo Dự thảo Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP HCM sẽ có tổng cộng 7 tuyến đường sắt quốc gia đi qua địa bàn. 

7 tuyến đường sắt này bao gồm tuyến đường sắt Bắc - Nam; đường sắt TP HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ;  tuyến TP HCM - Lộc Ninh; tuyến TP HCM – Tây Ninh; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Quốc tế Long Thành; đường sắt chuyên dụng ra cảng Hiệp Phước.

Bên cạnh 7 tuyến đường sắt, TP HCM còn đề xuất bổ sung thêm hai tuyến đường liên vùng gần 50 km.

Cụ thể, hai tuyến đường TP HCM đề xuất bổ sung gồm LV 14 nối từ QL 1 tại nút giao trạm 2, kết nối qua vành đai 3, cầu Đồng Nai 2 và nối vào ĐT 777B của Đồng Nai.

LV 15 nối từ cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối với cảng Phước An, cảng Cần Giờ, nối qua Gò Công, Tiền Giang vào đường ven biển và kết thúc ở QL 50.

Xem chi tiết 7 tuyến đường sắt qua TP HCM TẠI ĐÂY.

Xem chi tiết mạng lưới đường liên vùng qua TP HCM TẠI ĐÂY.

Khánh Hòa quy hoạch Cam Lâm thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng

Ngày 28/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.

Theo đó, đô thị mới Cam Lâm là đô thị sân bay, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cấp quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch của khu vực và thế giới; là đô thị phát triển bền vững tiền đề phát triển công nghệ xanh - sinh thái thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Một góc Cam Lâm hiện nay. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Theo định hướng, đô thị mới Cam Lâm phát triển theo mô hình đô thị tập trung tại khu vực đồng bằng; phát triển du lịch tại dải ven biển phía Đông gắn với bảo tồn cảnh quan đặc hữu của đầm Thuỷ Triều - vịnh Cam Ranh, bờ biển Bãi Dài và các giá trị sinh thái núi rừng phía Bắc và phía Tây.

Hà Nội sẽ xây dựng sân bay thứ hai để mở rộng không gian phát triển phía Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã chủ trì phiên thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm Thủ đô với các trung tâm đô thị trong vùng Thủ đô.

Cùng với đó, mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài ở mức giới hạn hiệu quả, xây dựng sân bay thứ 2 ở khu vực huyện Phú Xuyên - Ứng Hòa để mở rộng không gian phát triển khu vực phía Nam. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.