Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (10/2 - 16/2): Phương án quy hoạch khi mở rộng TP Bắc Giang, Thừa Thiên Huế sẽ đưa Phong Điền lên thị xã

Chi tiết phương án quy hoạch khi sáp nhập TP Bắc Giang với huyện Yên Dũng; Thừa Thiên Huế sẽ đưa Phong Điền lên thị xã; TP Kon Tum sẽ có ba tuyến đường vành đai... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Ninh Bình muốn lên thành phố trực thuộc Trung ương

Tỉnh Ninh Bình cho biết, trong năm 2024 và những năm tới, Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, phấn đấu là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Một góc TP Ninh Bình. (Ảnh: Báo Ninh Bình). 

Ninh Bình sẽ hướng đến cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Thừa Thiên Huế sẽ đưa Phong Điền lên thị xã

Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ nay đến năm 2025, quy hoạch sẽ xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, quy hoạch sẽ xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm hai quận (trong đó TP Huế hiện hữu chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương; ba thị xã (TX Hương Thủy hiện hữu, TX Hương Trà hiện hữu và TX Phong Điền thành lập mới) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).

Một góc huyện Phong Điền hiện nay. (Ảnh: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam). 

Như vậy, theo quy hoạch trên, Thừa Thiên Huế sẽ đưa huyện Phong Điền lên thị xã.

TP Kon Tum sẽ có ba tuyến đường vành đai 

UBND tỉnh Kon Tum vừa qua đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2040. Theo đó, TP Kon Tum sẽ phát triển theo hướng 3 đường vành đai và 6 vùng phát triển.  

Cụ thể, ba tuyến đường vành đai bao gồm vành đai 1 là khu đô thị hiện hữu (cải tạo, chỉnh trang); vành đai 2 là khu phát triển mới; vành đai 3 là khu vực phát triển các động lực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

Xem thêm về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2040 TẠI ĐÂY.

Ba cây cầu sắp triển khai tại TP HCM 

Theo VNExpress, ba cầy cầu bao gồm cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn, Thủ Thiêm 4 và Cần Giờ sắp triển khai ngoài tăng kết nối giao thông cho nhiều khu vực còn kỳ vọng tạo điểm nhấn nhờ thiết kế độc đáo.

Cầu đi bộ là công trình thứ ba sẽ được xây dựng kết nối phía Thủ Thiêm, TP Thủ Đức sang quận 1 Với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, cầu dài khoảng 500 m, bắc ngang sông Sài Gòn kết nối từ khu vực công viên bến Bạch Đằng, quận 1, sang công viên bờ sông phía nam Quảng trường trung tâm của Khu đô thị Thủ Thiêm.

Cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn sang quận 7 đang được ngành giao thông thành phố xúc tiến đầu tư. Cầu dài 2 km, 6 làn xe, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.

 Khu vực dự kiến làm cầu Thủ Thiêm 4. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Cần Giờ là cầu dây văng với ý tưởng phác họa hình tượng cây đước - đặc trưng của huyện Cần Giờ. Công trình khi hoàn thành cũng sẽ là cầu dây văng dài nhất TP HCM, so với những cầu đã xây dựng là Phú Mỹ (dài hơn 2 km) và Ba Son (gần 1,5 km), với tổng mức đầu tư dự kiến  hơn 10.500 tỷ đồng.

Tiến độ hai cao tốc gần tỷ USD qua Cần Thơ 

Theo báo cáo kinh tế - xã hội TP Cần Thơ tháng 1 vừa qua, hiện thành phố có 10 dự án xây dựng cơ bản trọng điểm. Trong đó, có đề cập đến tiến độ của hai cao tốc qua TP Cần Thơ.

Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn Cần Thơ, công tác thi công đoạn qua thành phố Cần Thơ còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cát san lấp. Dự án cần đến 7 triệu m3 cát san lấp, trong khi chỉ mới được cung ứng hơn 2 triệu m3.

Cùng với đó, gói thầu số 12 hiện các mũi thi công được triển khai đồng loạt. Công trình vẫn đang chờ nguồn cát san lấp từ tỉnh An Giang nên công nhân đang tập trung xây dựng các mố cầu.

Đối với dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn ngang TP Cần Thơ - Hậu Giang, sau một năm triển khai, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, đạt 99%, cả dự án vẫn còn 87 hộ còn vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Hiện tại, tiến độ thi công đang chậm so với kế hoạch đề ra.

Phương án quy hoạch khi mở rộng TP Bắc Giang 

Tại kỳ họp thứ 15 diễn ra đầu tháng 2 vừa qua, HĐND tỉnh Bắc Giang đã thông qua Chương trình phát triển đô thị Bắc Giang đến năm 2045.

Một góc huyện Yên Dũng, Bắc Giang. (Ảnh: Báo Bắc Giang). 

Theo phương án được HĐND tỉnh Bắc Giang thông qua, sau khi sáp nhập TP Bắc Giang với huyện Yên Dũng, nơi đây sẽ chia làm 9 khu vực phát triển tương ứng với 9 khu đô thị, trong đó: Khu vực trung tâm sẽ di dời một số nhà máy; hình thành một trung tâm mới của thành phố và của tỉnh; một cực phát triển kinh tế mới ở phía nam; xây dựng công viên vui chơi giải trí dọc sông Thương… 

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.