Ninh Bình muốn lên thành phố trực thuộc Trung ương, hợp nhất TP Ninh Bình với huyện Hoa Lư

Trong những năm tới, Ninh Bình đặt mục tiêu cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh này sẽ thực hiện hợp nhất TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư thành đô thị mới với đặc trưng là "đô thị di sản thiên niên kỷ".

Một góc TP Ninh Bình. (Ảnh: Báo Ninh Bình).

Báo Chính phủ dẫn thông tin từ ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, trong năm 2024 và những năm tới, Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, phấn đấu là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Ninh Bình sẽ hướng đến cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Về kinh tế, tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với mô hình phát triển xanh, lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại và các ngành công nghiệp công nghệ cao làm động lực, lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy nông nghiệp làm trụ đỡ. 

Trong đó, ưu tiên thu hút các lĩnh vực, khu vực quan trọng, có tính chiến lược như phát triển, mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; dịch vụ du lịch cao cấp; phát triển đô thị...

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung cao trong xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với khai thác và sử dụng quỹ đất; nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng như: Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; tuyến đường Đông - Tây, tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường Bái Đính - Ba Sao đoạn qua tỉnh Ninh Bình...

Cùng với đó, tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong đó hợp nhất TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư thành đô thị mới với đặc trưng là "đô thị di sản thiên niên kỷ", đồng thời xây dựng đề án để trình công nhận đô thị này là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.