Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (27/1 - 2/2): Duyệt quy hoạch Điện Biên, TP Bắc Ninh và TP Từ Sơn sẽ thành quận

TP Bắc Ninh sẽ thành quận khi toàn tỉnh Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc trung ương; dự kiến khai thác đoạn trên cao metro Nhổn - ga hà Nội vào tháng 6; Đà Nẵng khánh thành ba dự án giao thông... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Quy hoạch TP Bắc Ninh và Từ Sơn thành quận, Yên Phong và Tiên Du là thành phố 

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt,  một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu trước năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; hai thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; hai huyện: Lương Tài, Gia Bình. 

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030 toàn tỉnh có 12 đô thị. Trong đó, TP Bắc Ninh và Từ Sơn hiện tại sẽ được định hướng trở thành quận khi toàn tỉnh Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc trung ương. Trong khi đó, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong sẽ được phát triển trở thành hai thành phố trực thuộc tỉnh.

 Một góc Bắc Ninh hiện nay. (Ảnh: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam).

Duyệt quy hoạch tỉnh Điện Biên

Vừa qua,Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng.

 Một góc Điện Biên. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Cùng với đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe; dự kiến đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh.

Dự kiến khai thác đoạn trên cao metro Nhổn - ga hà Nội vào tháng 6

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Theo báo cáo của MRB, đến nay, tiến độ tổng thể tuyến đường sắt đô thị (metro) đoạn Nhổn - ga Hà Nội đạt 77,76%. Trong đó, đoạn trên cao đạt 99,65%, đoạn ngầm đạt 37,25%. Công tác quản lý chất lượng và an toàn được nâng cao, không để xảy ra vụ việc mất an toàn.

 Metro Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: Kinh tế Đô thị).

Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu đối với tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, cần đẩy nhanh công tác đào tạo vận hành và bảo trì, công tác vận hành thử, công tác nghiệm thu, tiến tới đưa đoạn trên cao dài 8,5 km vào vận hành khai thác trong tháng 6/2024.

Đà Nẵng khánh thành ba dự án giao thông 

Ngày 30/1, UBND thành phố đã tổ chức lễ khánh thành các công trình đường ĐT 601, ĐH2 và vành đai phía tây 2 (đoạn từ đường số 8 KCN Hòa Khánh đến nút giao cuối tuyến).

Tuyến đường ĐH2 được khởi công ngày 16/10/2018, đã được thông xe ngày 30/6/2022. Công trình có chiều dài 8,9 km; tuyến đường vành đai phía tây 2 khởi công ngày 27/12/2019 và đã thông xe đoạn từ đường số 8 - Khu công nghiệp Hòa Khánh đến đường tránh Hải Vân - Túy Loan vào ngày 30/6/2023 với chiều dài 4,6 km.

Đường vành đai phía tây 2 đoạn từ đường số 8 - Khu công nghiệp Hòa Khánh đến đường tránh Hải Vân - Túy Loan vừa được TP Đà Nẵng khánh thành. (Ảnh: Báo Giao thông). 

Công trình nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601 khởi công ngày 30/4/2020. Tuyến đường đi qua các xã: Hòa Sơn, Hòa Liên và Hòa Bắc, huyện Hoà Vang với tổng chiều dài 35,6 km. 

Quảng Nam quy hoạch mới 10 tuyến đường tỉnh lộ 

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ quy hoạch thêm 10 tuyến đường tỉnh mở mới qua địa bàn.

Cụ thể, tỉnh này sẽ nâng cấp, mở rộng hệ thống đường tỉnh gắn kết các hành lang kinh tế, khu kinh tế và các đô thị; phát triển các tuyến đường huyện có tính kết nối liên huyện để nâng cấp thành các tuyến đường tỉnh.

Xây dựng các cầu qua sông Trường Giang, Cổ Cò với công nghệ hiện đại, kiến trúc độc đáo phù hợp với cảnh quan đô thị ven biển và thúc đẩy phát triển du lịch.

Xem cụ thể các tuyến tỉnh lộ của tỉnh Quảng Nam TẠI ĐÂY.

Sẽ hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án giao thông trong năm 2024

Theo TTXVN, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong năm 2024, Bộ sẽ nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án và hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án trong năm 2024.

Trong số đó có 3 dự án cao tốc do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản, gồm: cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Chợ Mới - Bắc Kạn; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nỗ lực hoàn thành, đưa vào khai thác 23 dự án, trong đó có 2 dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.

Phương án xây hầm dưới đường Tôn Đức Thắng

Theo VnExpress, ngành giao thông thành phố nghiên cứu hai phương án làm hầm chui dưới đường Tôn Đức Thắng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ với tổng đầu tư 1.359 - 1.477 tỷ đồng.

Các phương án ngầm hoá tuyến đường chạy dọc sông Sài Gòn đang được Sở Giao thông Vận tải TP HCM nghiên cứu, nhằm phù hợp quy hoạch không gian thuộc vùng lõi 930 ha khu trung tâm.

 Đường Tôn Đức Thắng hiện nay. (Ảnh: Hải Quân).

Đường Tôn Đức Thắng là một trong 5 đại lộ lâu đời nhất ở TP HCM. Tuyến nằm ở trung tâm quận 1, dài khoảng hai km, điểm đầu giao đường Lê Duẩn, sau đó chạy qua khu Ba Son rồi uốn theo công viên bến Bạch Đằng đến cầu Khánh Hội.

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.