Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/1 - 26/1): Dự kiến sáp nhập Núi Thành vào TP Tam Kỳ, Hà Nội đề xuất hơn 35.000 tỷ làm metro qua hồ Gươm

Quảng Ngãi dự kiến sáp nhập Tam Kỳ và huyện Núi Thành; đề xuất hơn 35.000 tỷ làm metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; lùi thời gian hoàn thành đoạn 3 – vành đai 2 TP HCM...  là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Quảng Ngãi dự kiến sáp nhập Tam Kỳ - huyện Núi Thành

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về hệ thống đô thị đến năm 2030, tỉnh này  dự kiến có 25 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa đạt hơn 40%.

Trong đó, tỉnh này dự kiến sáp nhập TP Tam Kỳ - huyện Núi Thành giai đoạn 2026 - 2030, định hướng phát triển lên đô thị loại I.

 TP Tam Kỳ hiện nay. (Ảnh: Báo Đầu tư).

TX Điện Bàn đến năm 2030 nâng cấp lên thành cấp hành chính là thành phố; huyện Duy Xuyên: Đến năm 2030 đô thị Nam Phước mở rộng kết nối với đô thị Duy Nghĩa - Duy Hải, đô thị Kiểm Lâm và các xã lân cận nâng cấp lên thành cấp hành chính là TX Duy Xuyên.

Đề xuất hơn 35.000 tỷ làm metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

Theo VnExpress, UBND TP Hà Nội vừa trình Thủ tướng xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Thành phố đề xuất tổng mức đầu tư dự án gần 35.590 tỷ đồng, tăng hơn 16.030 tỷ (khoảng 82%) so với tổng mức được phê duyệt năm 2008.

Khu vực quy hoạch depot của tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Di Linh).  

Trong đó, vốn vay ODA sau điều chỉnh hơn 29.670 tỷ đồng, vốn đối ứng của Hà Nội hơn 5.910 tỷ đồng. Hai hạng mục tăng vốn nhiều nhất là chi phí xây dựng (tăng hơn 6.670 tỷ đồng) và chi phí thiết bị (tăng hơn 2.750 tỷ đồng).

Lùi thời gian hoàn thành đoạn 3 – vành đai 2 TP HCM

Theo TTXVN, Chủ tịch UBND TP HCM vừa qua đã có quyết định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 (thành phố Thủ Đức). Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2015 – 2026, thay vì giai đoạn 2015 – 2023 như trước đây.

Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,7 km được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), với tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng.

TP HCM kêu gọi đầu tư 28 dự án gần 160.000 tỷ đồng

TP HCM vừa qua đã công bố danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư trong chương trình phát triển xanh, với tổng số vốn gần 160.000 tỷ đồng.

Theo đó, các dự án có giá trị vốn đầu tư lớn nhất thuộc về các dự án hạ tầng. Đơn cử đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài với quy mô vốn đầu tư hơn 19.800 tỷ đồng.

Dự án mở rộng Quốc lộ 13 là một trong 28 dự án TP HCM đang kêu gọi đầu tư. (Ảnh tư liệu: Hải Quân). 

Đường trên cao tuyến số 5 (đi trùng với đường vành đai 2 từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương) với 15.400 tỷ đồng; dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 với 13.850 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ nhằm thay thế phà Bình Khánh với số vốn 10.569 tỷ đồng.

Hơn 6.100 tỷ đồng đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh 

Theo TTXVN, Bộ Giao thông Vận tải vừa qua đã  ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1. Dự án dự kiến thực hiện trong 5 năm kể từ ngày thỏa thuận vay vốn có hiệu lực.

Giai đoạn 1, tuyến đường bộ cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh có chiều dài gần 27 km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là hơn 6.127 tỷ đồng.

Đề xuất xây thêm 6 công viên ở TP HCM 

Theo VnExpress, Sở Xây dựng TP HCM vừa qua đã kiến nghị xây thêm 6 công viên tổng diện tích gần 800 ha thuộc TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận 12, Bình Tân, Bình Thạnh.

 Trong đó, lớn nhất là công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi, rộng 485 ha; kế đến là khu lâm viên sinh thái ở TP Thủ Đức rộng 128 ha; công viên quảng trường Thủ Thiêm ở TP Thủ Đức rộng 20 ha;  công viên Gò Cát ở quận Bình Tân rộng 13 ha; công viên cây xanh Thạnh Xuân ở quận 12 rộng 150 ha và cuối cùng là Công viên cây xanh thuộc khu công viên cây xanh - thể dục thể thao phường 12, quận Bình Thạnh rộng 3,8 ha. 

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.