Đề xuất xây thêm 6 công viên ở TP HCM

Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị xây thêm 6 công viên tổng diện tích gần 800 ha thuộc TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận 12, Bình Tân, Bình Thạnh.

Nội dung được Sở Xây dựng TP HCM nêu trong báo cáo gửi UBND thành phố về tình hình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn. 6 công viên được đề xuất có quy mô lớn từ nguồn đất công hoặc đất trống, nằm ở nhiều địa phương.

Hiện trạng dự án công viên Sài Gòn Safari, huyện Củ Chi, tháng 4/2022. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Trong đó, lớn nhất là công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi, rộng 485 ha, cách trung tâm khoảng 50 km. Dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi với các khu chức năng thả thú bán hoang dã; trưng bày thú mở (hệ thống chuồng trại dạng mở và cảnh quan, trưng bày các loài thú đặc trưng của các châu lục trên thế giới, vườn thú đêm trưng bày các loài thú chuyên sinh hoạt vào ban đêm).

Dự án đã đền bù 97%, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm số còn lại; tình trạng tái lấn chiếm diễn ra phức tạp khiến người dân bức xúc.

Kế đến là khu lâm viên sinh thái ở TP Thủ Đức rộng 128 ha thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nơi đây có chức năng chính là khu vực bảo vệ môi trường, thoát nước mặt kết hợp nghỉ ngơi, giải trí, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên. Phần lớn diện tích của khu này là vùng sinh thái ngập nước, chỉ quy hoạch 3 lô đất để xây dựng các công trình phục vụ tham quan, du lịch và khu nghiên cứu thực vật.

Khu lâm viên sinh thái rộng 128 ha thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm gần khu trung tâm TP HCM, còn nhiều mảng xanh phù hợp cho làm công viên. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Công viên quảng trường Thủ Thiêm ở TP Thủ Đức rộng 20 ha. Toàn bộ diện tích thuộc đất công. Hiện, địa phương đã khánh thành công viên bờ sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm sông Sài Gòn với nhiều hạng mục, như cánh đồng hoa hướng dương, khuôn viên sinh hoạt cộng đồng, bến cầu tàu, chuỗi bè nổi thủy sinh, công viên đá, công viên sinh thái...

Công viên Gò Cát ở quận Bình Tân rộng 13 ha. Đây vốn dĩ là bãi rác được sử dụng theo phương thức chôn lấp, đã dừng hoạt động hơn 10 năm. Tại các hội thảo mới đây nơi đây được nhiều đơn vị đề xuất di dời, xử lý để lấy mặt bằng làm khu đô thị sinh thái.

Công viên cây xanh Thạnh Xuân ở quận 12 rộng 150 ha, nằm ở hai phường Thạnh Xuân và Thới An. Do diện tích lớn, công viên này sẽ được quy hoạch thành công viên đa chức năng, vừa phục vụ thưởng lãm, sinh hoạt, khai thác các loại hình vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng (không lưu trú), vừa điều tiết nước và chứa nước sạch cho cả khu vực.

Cuối cùng là Công viên cây xanh thuộc khu công viên cây xanh - thể dục thể thao phường 12, quận Bình Thạnh rộng 3,8 ha.

Toàn TP HCM đang có khoảng 400 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở với hơn 235.000 cây xanh. Trong đó, các quận nội thành có diện tích công viên lớn hơn khu vực ngoại thành.

Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh ở thành phố hơn 11.400 ha, tương ứng 7 m2/người nhưng thực tế đang rất thấp, chỉ khoảng 500 ha. Với dân cư thường trực ở thành phố khoảng 10 triệu người, tỷ lệ trên chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người.

Giai đoạn 2020-2025, thành phố đặt mục tiêu tăng thêm 150 ha đất công viên công cộng, tương đương 0,65 m2/người. Để hoàn thành chỉ tiêu này, TP HCM cần thực hiện ít nhất 54 dự án. Tổng kinh phí đầu tư ước tính hơn 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, mới có 8 dự án hoàn thiện và trình đề xuất chủ trương đầu tư.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.