Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với 10 tỉnh bao gồm Lâm Đồng; Kon Tum; Đắk Nông; Nam Định; Gia Lai; Tây Ninh; Thái Bình; Thừa Thiên Huế; Phú Yên; Đắk Lắk; Tiền Giang và Vĩnh Long.
Đến nay, đã có khoảng 54 tỉnh thành được phê duyệt quy hoạch.
Sáng 1/1, tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng).
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài 93,35 km. Tổng mức đầu tư dự án 14.331 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn do nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng.
Theo Vnexpress, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình vừa qua đã phê duyệt dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, điểm đầu thuộc thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; điểm cuối ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Tuyến đường có 3 hầm, 30 cầu, trong đó 29 cầu bằng bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự ứng lực, một cầu dây văng vượt lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Dự án được đầu tư hơn 8.240 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, còn lại hơn 1.750 tỷ đồng của Hòa Bình.
Sở Giao thông Vận tải vừa qua đã đề xuất TP Hà Nội ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư với 3 dự án đường vành đai.
Sở đề xuất ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đối với 3 dự án gồm: Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy); dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 phía Bắc; dự án đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ.
Theo TTXVN, ngày 1/1, tỉnh Quảng Ninh tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng cây cầu qua vịnh Cửa Lục có tên gọi cầu Bình Minh. Cầu Bình Minh được đánh giá có những đột phá trong ngành xây dựng cầu Việt Nam từ trước đến nay và là cầu đầu tiên của tỉnh với 6 làn xe cơ giới với kết cấu 5 nhịp vòm thép liên tục.
Cầu Bình Minh được thi công trong giai đoạn 2019 - 2023 với tổng mức đầu tư được phê duyệt 1.743 tỷ bằng nguồn ngân sách của tỉnh. Cầu có tổng chiều dài tuyến (cầu và đường) trên 2,6 km, bao gồm phần cầu có chiều dài trên 1,6 km, phần đường có chiều dài gần 1 km.
Theo VNExpress, có ba dự án giao thông trọng điểm tại TP HCM sẽ được khởi công trong năm nay, đầu tiên là dự án cầu - đường Nguyễn Khoái nối quận 7, 4 và 1 là công trình giao thông lớn nhất dự kiến được khởi công năm 2024.
Dự án trọng điểm thứ hai sẽ được khởi công trong năm nay là nâng cấp, mở rộng đường Chu Văn An đoạn từ ngã 5 Bình Hoà tới đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh.
Cũng trong năm nay, TP HCM sẽ khởi công "đại" dự án cải tạo và xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm - tuyến rạch ở nội đô với tổng vốn hơn 9.800 tỷ đồng.
Thông tin từ Vnexpress, theo đề xuất của CT Group với Chính phủ, tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ sẽ là đường đôi, dài 174 km. Dự án đi qua 6 địa phương gồm TP HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.
CT Group dự kiến bắt tay với Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc, Tập đoàn Xây dựng điện Trung Quốc hình thành liên doanh đầu tư để nhận gói hỗ trợ tài chính cho dự án từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới. Trong tổng mức đầu tư dự kiến 9,98 tỷ USD (hơn 227.000 tỷ đồng), liên danh góp vốn tỷ lệ 85%, nhà nước khoảng 15%.