Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (23/12 - 29/12): Thêm 4 tỉnh được duyệt quy hoạch, duyệt đầu tư cao tốc Nam Định - Thái Bình

Thêm 4 tỉnh được duyệt quy hoạch; duyệt đầu tư cao tốc Nam Định - Thái Bình; khánh thành 4 dự án giao thông lớn; 4 dự án cao tốc sẽ khởi công năm 2024... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Thêm 4 tỉnh được duyệt quy hoạch

Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với 4 tỉnh bao gồm Bình Thuận, Hà Nam, Hòa Bình và Sơn La.

Đối với tỉnh Bình Thuận, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế.

Đối với tỉnh Hà Nam, mục tiêu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao. Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo.

Đối với tỉnh Hòa Bình, mục tiêu đến năm 2030, Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía bắc, có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Đối với tỉnh Sơn La, mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam – Lào và vùng trung du miền núi phía Bắc.

Duyệt đầu tư cao tốc Nam Định - Thái Bình

Thủ tướng vừa qua đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường  cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP. Tổng chiều dài tuyến đường thuộc dự án khoảng 60,9 km

Hướng tuyến cao tốc qua Nam Định, Thái Bình. (Ảnh: UBND tỉnh Thái Bình).  

Dự án được đầu tư xây dựng tuyến đường theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h; thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2027. Tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay là hơn 18.927 tỷ đồng; tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay là hơn 19.784 tỷ đồng.

Khánh thành 4 dự án giao thông lớn

Theo VnExpress, ngày 24/12, Bộ Giao thông Vận tải đã khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và sân bay Điện Biên mở rộng.

Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. 

 Cầu Mỹ Thuận 2. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km, tổng mức đầu tư hơn 3.710 tỷ đồng; dự án mở rộng sân bay Điện Biên gồm xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách từ 300.000 lên 500.000 khách mỗi năm.

Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tăng vốn hơn 1.400 tỷ đồng 

Ngày 29/12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc.

Theo phê duyệt, chiều dài dự án dự kiến khoảng 26,6 km, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 6.209,77 tỷ đồng.

Trước đó, theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 được ban hành vào tháng 12/2021, tuyến cao tốc này có tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4.771 tỷ đồng.  Như vậy, tổng mức đầu tư của cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sau điều chỉnh đã tăng hơn 1.400 tỷ đồng.

4 dự án cao tốc sẽ khởi công năm 2024 

Theo Vnexpress, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Chợ Mới - Bắc Kạn, Dầu Giây - Tân Phú, Cao Lãnh - Rạch Sỏi dự kiến được khởi công xây dựng năm 2024.

Phối cảnh một cây cầu trên cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. (Ảnh: A2Z). 

Trong đó, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Lạng Sơn, Cao Bằng) dài 93 km;  cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn (Bắc Kạn) dài 28,8 km; cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (Đồng Nai) dài khoảng 60 km và  dự án nâng cấp tuyến đường trục dọc phía tây đồng bằng sông Cửu Long từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang) dài khoảng 28,8 km.

Đề xuất làm đường ven sông nối Củ Chi với Cần Giờ

TheoVnexpress, dự thảo quy hoạch chung TP HCM bổ sung đường ven sông nối Củ Chi đến cầu Cần Giờ  dài gần 70 km, giúp phát triển du lịch, khai thác quỹ đất tạo nguồn thu.

Nội dung này được đơn vị tư vấn nêu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý lần ba về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.

 TP HCM đề xuất làm đường ven sông nối Củ Chi với Cần Giờ. (Ảnh: Hải Quân).

Đơn vị tư vấn đề xuất bổ sung đường ven sông kết nối từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ với quy mô tối thiểu 4 làn xe kết hợp với làn dành riêng cho xe đạp và xe điện mặt đất (tramway) đoạn từ trung tâm thành phố đi Củ Chi. 

Bình Dương muốn dành 2.500 tỷ đồng vốn trung ương 2024 cho tuyến vành đai 3 TP HCM

Vừa qua, HĐND tỉnh Bình Dương đã phê chuẩn kế hoạch đầu tư công năm 2024 vốn ngân sách Nhà nước là 22.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 3.184 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 18.816 tỷ đồng.

Xây dựng câù Bình Gởi trên tuyến vành đai 3 qua tỉnh Bình Dương. (Ảnh tư liệu: Hải Quân). 

Đối với tuyến vành đai 3 TP HCM, tỉnh Bình Dương sẽ bố trí gần 2.500 tỷ đồng vốn đầu tư công ngân sách trung ương 2024 cho dự án này.

Long An thông xe đường vành đai TP Tân An

Ngày 23/12, tuyến đường vành đai TP Tân An đã chính thức thông xe toàn tuyến sau nhiều năm thi công. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Long An trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.

 Một đoạn đường vành đai TP Tân An hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Tuyến đường vành đai TP Tân An có tổng chiều dài hơn 22 km và 5 cầu, đi qua địa bàn huyện Thủ Thừa và TP Tân An. Dự án có vận tốc thiết kế 60 km/h, quy mô từ 4 - 6 làn xe, nền đường rộng 25 - 33 m. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 3.100 tỷ đồng.

Cà Mau sẽ chi hơn 1.000 tỷ đồng làm đường trục Đông - Tây và cầu vượt sông Cái Nai

Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau đã thông qua dự thảo báo cáo giám định tuyến đường trục Đông – Tây tỉnh Cà Mau (đoạn từ Km18 + 000 đến cửa biển Gành Hào) thuộc huyện Đầm Dơi và cầu bắc qua sông Cái Nai (Khu kinh tế Năm Căn), huyện Năm Căn.

Dự án này do Ban Quản lý Dự án Xây dựng Công trình Giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2022. Tổng mức đầu tư của tuyến hơn 1.000 tỷ đồng.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.