Bình Dương muốn dành 2.500 tỷ đồng vốn trung ương cho tuyến vành đai 3 TP HCM năm 2024

Theo kế hoạch đầu tư công năm 2024 vốn ngân sách trung ương, tỉnh Bình Dương sẽ chi gần 2.500 tỷ đồng cho hai dự án thành phần 5 và 6 thuộc tuyến vành đai 3 TP HCM.

Vừa qua, HĐND tỉnh Bình Dương đã phê chuẩn kế hoạch đầu tư công năm 2024 vốn ngân sách nhà nước là 22.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 3.184 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 18.816 tỷ đồng.

Về các dự án giao thông, có ba dự án được tỉnh Bình Dương bố trí từ ngân sách trung ương với số vốn gần 2.940 tỷ đồng, bao gồm dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương), do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông làm chủ đầu tư, số vốn được bố trí khoảng 1.048 tỷ đồng.

Dự án thành phần 5 (xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương, bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi), Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông làm chủ đầu tư, số vốn được bố trí khoảng 1.400 tỷ đồng.

Như vậy, tỉnh Bình Dương sẽ bố trí gần 2.500 tỷ đồng vốn đầu tư công ngân sách trung ương 2024 cho dự án xây dựng tuyến vành đai 3 TP HCM.

 Xây dựng câù Bình Gởi trên tuyến vành đai 3 qua tỉnh Bình Dương. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Một dự án khác là xây dựng đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú thuộc đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, do UBND huyện Phú Giáo làm chủ đầu tư, số vốn được bố trí khoảng 490 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của người viết, đường vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài khoảng 76,3 km đi qua 4 địa phương gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tuyến đường được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.

Đoạn tuyến đi qua địa bàn Bình Dương dài khoảng 26,6 km, điểm đầu tuyến là nút giao Tân Vạn, điểm cuối tuyến tại cầu Bình Gởi. Quy mô đầu tư 8 làn xe với tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng.

Trong đó, dự án thành phần 5 (xây lắp) là 5.752 tỷ đồng, dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) là 13.528 tỷ đồng. Dự kiến, đoạn qua tỉnh Bình Dương sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng có chiều dài 48 km, được chia thành 4 dự án thành phần với tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng. Tuyến đường sau khi đưa vào sử dụng sẽ nâng cao hiệu quả khai thác và phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của ba huyện nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.

 Một đoạn đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hiện nay. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân).

Khi toàn tuyến đi vào hoạt động sẽ kết nối các tuyến giao thông chính, như: ĐT 746, ĐT 741, ĐT 750, ĐH 502, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh theo định hướng quy hoạch của tỉnh và Chính phủ.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.