Theo Báo Chính phủ, ngày 29/12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc.
Theo phê duyệt, chiều dài dự án dự kiến khoảng 26,6 km, điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại khu vực thị trấn Mỹ An (Đồng Tháp), điểm cuối kết nối với nút giao An Bình thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 6.209,77 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn dự kiến gồm vốn vay ODA của EDCF khoảng 4.462,47 tỷ đồng (tương đương 188,12 triệu USD), được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.
Vốn đối ứng khoảng 1.747 tỷ đồng, được sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công), chi phí QLDA, chi phí tư vấn trong nước như: Chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư; chi phí tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật; thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác...
Giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến bố trí khoảng 3.700 tỷ đồng, trong đó bao gồm 2.692 tỷ đồng vốn nước ngoài, 1.008 tỷ đồng vốn đối ứng.
Giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến bố trí khoảng 2.509 tỷ đồng, trong đó bao gồm 1.770 tỷ đồng vốn nước ngoài, 739 tỷ đồng vốn đối ứng.
Trước đó, theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 được ban hành vào tháng 12/2021, tuyến cao tốc này có tổng chiều dài khoảng 27 km, quy mô 4 làn xe hạn chế đi qua hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4.771 tỷ đồng; trong đó, vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim) dự kiến khoảng 3.677 tỷ đồng (tương đương 158,8 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.
Như vậy, tổng mức đầu tư của cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sau điều chỉnh đã tăng hơn 1.400 tỷ đồng.