Thêm 8 cao tốc vào danh mục dự án quan trọng quốc gia

8 cao tốc này bao gồm cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; cao tốc TP HCM - Chơn Thành; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh.

Thêm 8 dự án cao tốc vào danh mục dự án quan trọng quốc gia. (Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).

Thông tin từ Báo Chính phủ, ngày 10/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải.

Cụ thể, bổ sung vào Điều 1 Quyết định ngày 23/7/2022 các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT gồm cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; cao tốc TP HCM - Chơn Thành; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà là Phó Trưởng ban Thường trực. Phó Tổng kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ làm Ủy viên Ban Chỉ đạo thay thế đồng chí Nguyễn Tuấn Anh. Đồng thời, bổ sung các Ủy viên Ban chỉ đạo gồm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hà Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp.

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Dự án được Chính phủ phân cấp cho tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang làm cơ quan chủ quản, thực hiện theo hình thức đầu tư công, có quy mô hai làn xe song phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan có tổng chiều dài 11,5 km, dự án sẽ được đầu tư với quy mô đường cao tốc cấp 80, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan là gần 2.113 tỷ đồng.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có tổng chiều dài dự án khoảng 60 km, đi qua địa bàn các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú tỉnh Đồng Nai.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 8.366 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 7.066 tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 1.300 tỷ đồng.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được đầu tư theo phương thức PPP, có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng. Dự án được đầu tư xây theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/h. Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (dài 66 km, trong đó 11 km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và 55 km trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng).

Giai đoạn 1, tuyến cao tốc này có nền đường rộng 17 m, với 4 làn xe, bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp không liên tục, với khoảng cách 4 - 5 km/vị trí. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2026.

Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là dự án nhóm A, được đầu tư theo phương thức PPP (giai đoạn 1 là BOT) với chiều dài khoảng 74 km, đi qua TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 19.521 tỷ đồng.

Về tiến độ dự kiến, giai đoạn 1 gồm chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022 - 2026; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn 2 (hoàn chỉnh) dự kiến đầu tư sau sau năm 2030. Trong điều kiện cho phép về thu xếp vốn, sẽ đẩy nhanh việc thực hiện giai đoạn hoàn chỉnh.

Cao tốc TP HCM - Chơn Thành sẽ thực hiện đầu tư đoạn từ vành đai 3 đến tỉnh Bình Phước dài khoảng 60 km; trong đó đoạn từ đường vành đai 3 đến ranh tỉnh Bình Dương - Bình Phước dài khoảng 53 km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước dài 7,1 km.

Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch (lộ giới 60 m) và đầu tư đường cao tốc hoàn thiện với quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp, bao gồm các nút giao. 

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài hơn 27 km được chia làm 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 dài 16 km qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp; dự án thành phần 2 dài hơn 11 km qua địa phận 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.

Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Tổng mức đầu tư gần 5.900 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.

Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh có tổng chiều dài hơn 26 km qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Điểm đầu dự án kết nối với tuyến N2 tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh), thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Theo chủ trương được phê duyệt, giai đoạn 1 dự án sẽ được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, rộng 17m. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 4.770 tỷ đồng do Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan chủ quản. 

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.