Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (3/8 - 9/8): Khai thác đoạn trên cao metro Nhổn - Ga Hà Nội, duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương

Khai thác đoạn trên cao metro Nhổn - Ga Hà Nội; duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương; sắp thông xe cầu Bến Mới nối Nam Định - Ninh Bình; Đông Anh, Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chí lên quận... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Khai thác đoạn trên cao metro Nhổn - Ga Hà Nội

Đúng 8 giờ ngày 8/8, UBND TP Hà Nội đã chính thức khai thác thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sau gần 15 năm triển khai xây dựng.

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 8,5 km. Đơn vị khai thác vận hành là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.

 Metro Nhổn - Ga Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Metro Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven Thủ đô vào sâu trong nội thành, khi khai thác sẽ giúp giao thông Hà Nội giảm được áp lực phương tiện, ùn tắc, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình.

Sắp thông xe cầu Bến Mới nối Nam Định - Ninh Bình

Tỉnh ủy Nam Định vừa qua đã thực hiện kiểm tra tiến độ đối với dự án cầu Bến Mới vượt sông Đáy, kết nối hai tỉnh Nam Định - Ninh Bình.

Cây cầu này có tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư với quy mô phần cầu dài 0,65 km và đường dẫn dài 2,6 km.

 Cầu Bến Mới sẽ được thông xe vào tháng 10 tới. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Về tiến độ thi công, phần cầu đã hoàn thành; phần đường dẫn phía tỉnh Nam Định đã thi công hạng mục mương Quỹ Độ được 250 m. Dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình và thông xe trong tháng 10 tới.

Duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa qua đã ký phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại.

 Một góc Bình Dương hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Đối với mục tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD.

Đông Anh, Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chí lên quận

Ngày 7/8, lãnh đạo TP Hà Nội đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố.

Báo cáo về kết quả thực hiện Đề án của 5 huyện 6 tháng đầu năm, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm, hai huyện đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong năm 2024, hai huyện Đông Anh và Gia Lâm được dự kiến sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận của huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm vào quý IV/2024 hoặc đầu quý I/2025.

Gần 9.000 tỷ đồng xây cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Theo VnExpress, Bộ trưởng Giao thông Vận tải vừa qua đã phê duyệt dự án xây dựng cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư PPP.

Tuyến đường dài 60,2 km với điểm đầu kết nối với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, thuộc thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối kết nối với cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

 Hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam).

Dự án có tổng mức đầu tư 8.980 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.680 tỷ đồng, vốn nhà nước 1.300 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn là 18 năm 2 tháng.

Duyệt đầu tư cao tốc TP HCM - Mộc Bài 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa qua đã ký ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT).

Tuyến cao tốc này có tổng chiều dài khoảng 51 km. Trong đó, điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh thuộc huyện Củ Chi, TP HCM; điểm cuối giao với QL 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Với tổng mức đầu tư trên 19.600 tỷ đồng; thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2024 - 2027.

Thông xe hầm chui giải quyết ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất

Thông tin từ VnExpress, ngày 10/8, hầm chui ở giao lộ đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn hoàn thiện căn bản sau hơn một năm thi công và chính thức được đưa vào hoạt động.

Công trình có mức đầu tư 200 tỷ đồng, đi ngang qua công viên Hoàng Văn Thụ, là một phần của dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dài 4 km, được khởi công cuối năm 2022 với tổng kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng.

Sau khi hầm chui thông xe, cầu bộ hành đi ngang qua công viên Hoàng Văn Thụ trên đường Phan Thúc Duyện sẽ được tái lập lại.

Bình Dương sẽ thu hồi gần 275 ha đất làm cao tốc TP HCM - Chơn Thành

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản về việc điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh về Danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, tỉnh bổ sung vào danh mục công trình, dự án thu hồi đất năm 2024 là 17 công trình, dự án với tổng diện tích 282 ha. Trong đó, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành trong năm nay sẽ được tỉnh Bình Dương thực hiện thu hồi gần 275 ha đất.

Hướng tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. (Ảnh chụp từ Báo cáo ĐTM dự án).

Cao tốc TP HCM - Chơn Thành có chiều dài tuyến gần 46 km, với tổng mức đầu tư dự án là 17.408 tỷ đồng (bao gồm lãi vay), dự kiến khởi công vào quý IV/2024; thanh thải, hoàn thành dự án đến hết quý IV/2027.

chọn
Chủ dự án BOT Xa lộ Hà Nội lãi hơn 800 triệu mỗi ngày
6 tháng đầu năm 2024, Công ty Đầu tư Xây dựng Xa lộ Hà Nội với lãi sau thuế hơn 149 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày doanh nghiệp lãi hơn 800 triệu đồng.