Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: Hạ Vũ).
Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM đã được Quốc hội thảo luận tại phiên họp mới đây.
Theo Báo Chính phủ, các ý kiến đại biểu cho rằng việc xây dựng và ban hành Nghị quyết này là rất cần thiết và cấp bách để giải quyết điểm nghẽn về thể chế. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) bày tỏ quan điểm đồng tình với việc ban hành Nghị quyết để huy động nguồn lực, rút ngắn tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.
Chia sẻ đã trải nghiệm 3 tuyến đường sắt hoàn thành ở Hà Nội và TP HCM, đại biểu cho rằng, nhóm khách hàng chính của đường sắt đô thị sẽ là những người dân sống trong phạm vi hợp lý để đi bộ đến các nhà ga. Số lượng người sử dụng các tuyến đường sắt chính là yếu tố để đánh giá hiệu quả đầu tư của các tuyến.
Do 3 tuyến đường sắt đô thị có nhà ga chủ yếu ở các khu vực dân cư hiện hữu nên hiện nay có thể cung chưa gặp đủ cầu. Nhiều người đang sống gần ga có thể chưa có nhu cầu sử dụng đường sắt đô thị, trong khi nhiều người có nhu cầu sử dụng đường sắt đô thị thì lại sống khá xa các nhà ga.
Vì vậy, ông Cảnh đề nghị Trung ương, 2 địa phương xem xét có cơ chế hỗ trợ hình thức "nhà đổi nhà", hỗ trợ việc làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu đất, nhà ở nhanh chóng. Một chính sách mà có lợi cho người dân, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công thì sẽ nhận được sự đồng thuận cao.
Ngoài ra, vấn đề kết nối các tuyến đường sắp cũng được đại biểu đề cập trong bối cảnh mới hoàn thành vài tuyến, có tuyến chưa hoàn thành 100% đã đưa vào sử dụng.
"Chẳng hạn, đối với tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn - ga Hà Nội, chúng ta cần nghiên cứu hình thức bán vé chung cho cả 2 tuyến, khách mua vé một lần có thể đi bất kỳ ga nào của tuyến này đến bất kỳ ga nào của tuyến còn lại.
Như vậy, 2 tuyến được kết nối sẽ tạo thuận lợi cho người dân, số người sử dụng tăng lên, nâng cao hiệu quả hoạt động. Những tuyến sau này cũng có thể áp dụng tương tự để nâng cao hiệu quả hoạt động khi chưa hoàn thành toàn bộ tuyến metro", ông Cảnh góp ý.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. (Ảnh: quochoi.vn).
Tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đồng tình việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù đặc biệt. Theo ông, đường sắt đô thị cần phát triển theo mạng lưới, còn nếu xây dựng từng tuyến một thì không bao giờ phát huy tác dụng. Do đó, cần cơ chế mạnh để đầu tư tập trung trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM diễn ra trong điều kiện khu vực đô thị đã có rồi nên khi phát triển phải song song với chỉnh trang đô thị.
Với phần lớn ga ngầm trong khu vực nội đô không thuộc khu vực phải bảo tồn, đại biểu cho rằng, mỗi điểm ga ngầm phải là một điểm TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) để vừa giải quyết nhu cầu vận tải hành khách, vừa cải tạo chỉnh trang đô thị, vừa tạo nguồn lực cho đường sắt.
Ngoài ra, việc phát triển đường sắt quốc gia sẽ tạo công nghệ cho phát triển đường sắt đô thị. Vì vậy, khi phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, cần phải bắt buộc sử dụng sản phẩm, công nghệ của doanh nghiệp đã được đặt hàng tham gia trong dự án đường sắt quốc gia, tránh tình trạng mua của doanh nghiệp khác.