Theo VnExpress, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa qua đã có cuộc họp kinh tế, xã hội tháng 7, trong đó có đề cập đến giải ngân đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc các dự án trên địa bàn.
Theo ông Mãi, hai dự án rạch Xuyên Tâm và bờ bắc kênh Đôi có nguy cơ chậm tiến độ, chủ yếu liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Do đó ông đã nhận phụ trách giám sát, đốc thúc dự án này.
Ông Mãi nói nếu tập trung làm hai dự án vẫn đảm bảo tiến độ, đặc biệt khi áp dụng giá bồi thường mới theo Luật đất đai 2024 để chi trả, hỗ trợ cho người dân. Dự kiến khi áp dụng giá đất mới vào kinh phí bồi thường, tổng vốn đầu tư của hai dự án tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch ô đất H1-KSDV2 trong Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, tỷ lệ 1/500. Quy mô nghiên cứu lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết có diện tích hơn 1 ha.
Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của ô đất này bao gồm diện tích 10.081 m2. Trong đó diện tích xây dựng 300 m2; mật độ xây dựng 3%; chiều cao tối đa là 1 tầng cao; tổng diện tích sàn 300 m2; Hệ số sử dụng đất 0,03 lần.
Nay điều chỉnh ô đất ký hiệu H1-KSDV2 từ chức năng dịch vụ tổng hợp 2 thành các ô đất ký hiệu H1-NO1, H1-NO2 với chức năng đất nhà ở biệt thự, quy mô dân số khoảng 50 người.
Theo VnExpress, ngày 31/7, UBND tỉnh Đồng Nai xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải về phương án đầu tư xây dựng hai nút giao Ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11 nhằm giải quyết điểm đen giao thông qua những khu vực này.
Theo tính toán của tỉnh này, tổng mức đầu tư của nút giao Ngã tư Vũng Tàu là hơn 4.749 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 2.900 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng hơn 900 tỷ đồng và chi phí khác khoảng 900 tỷ đồng.
Tổng mức đầu nút giao Cổng 11 dự tính hơn 8.433 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 4.638 tỷ đồng, xây dựng gần 2.900 tỷ đồng.
Xem chi tiết về phương án làm hai nút giao trên TẠI ĐÂY.
Ngày 30/7, tại tầng đáy nhà ga S9 - Kim Mã, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cùng với Tư vấn và các nhà thầu đã khởi công khoan hầm bằng máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) cho đoạn tuyến đi ngầm của dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Bộ đôi máy TBM được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Máy được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (Cộng hòa Liên bang Đức), có chiều dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn.
Metro Nhổn - ga Hà Nội đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm với tổng chiều dài là 12,5 km; trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) dài 4 km.
Theo VnExpress, ngày 30/7, ông Trịnh Huy Triều, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở đang hoàn thiện bước tư vấn thiết kế và thủ tục cần thiết trước khi trình UBND tỉnh và HĐND phê duyệt tuyến vành đai 3 nhánh Đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án vành đai 3 nhánh Đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến Quảng Xương có chiều dài hơn 21 km, tổng mức đầu tư 9.985 tỷ đồng từ ngân sách, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024 - 2030.
Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường tuyến đường kết nối từ QL 1A, qua cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (nút giao Liêm Sơn), giao với QL 21A, QL 21B, điểm cuối tại đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình.
Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng, có nhiệm vụ kết nối các huyện phía Đông Nam của tỉnh gồm huyện Thanh Liêm, huyện Bình Lục, huyện Lý Nhân; kết nối hai di tích Quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định).
Về tiến độ thực hiện dự án, Hà Nam khởi công dự án vào cuối quý I/2023 - quý IV/2025. Hoàn thành dự án đến hết quý IV/2025. Thời gian thi công dự kiến ba năm, được phân thành các gói thầu khác nhau.
Xem chi tiết hình ảnh tuyến đường đang được xây dựng TẠI ĐÂY.
Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 5 điểm nối bật về quy hoạch tỉnh này bao gồm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035; hợp nhất huyện Hoa Lư và TP Ninh Bình; bổ sung 4 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp; có hai cao tốc, 8 quốc lộ đi qua và cuối cùng là trở thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới.
Xem chi tiết 5 điểm nổi bật của quy hoạch tỉnh Ninh Bình TẠI ĐÂY.
Dự án cải tạo và xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là một trong những dự án cải tạo kênh, rạch nhằm cải thiện cảnh quan, nâng cao năng lực giao thông của TP HCM. Dự án này được khởi công hồi tháng 2/2023. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án này đã được thi công hơn một năm.
Dự án này có có chiều dài tuyến khoảng 31,5 km, đi qua địa bàn 7 quận, huyện bao gồm quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh. Tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, với 10 gói thầu xây lắp.
Cập nhật chi tiết tiến độ của dự án cải tạo và xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên TẠI ĐÂY.