Bộ trưởng Giao thông Vận tải vừa phê duyệt dự án xây dựng cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư PPP.
Tuyến đường dài 60,2 km với điểm đầu kết nối với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, thuộc thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối kết nối với cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Giai đoạn 1 tuyến có quy mô 4 làn xe hạn chế, chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 17 m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, mặt cắt ngang 24 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Trên tuyến có 26 cầu vượt qua đường ngang, 4 cầu trên nhánh nút giao; 24 hầm chui dân sinh; 31 km đường gom hai bên kết hợp với hầm chui dân sinh, cầu vượt, đảm bảo kết nối giao thông, hạn chế ảnh hưởng đời sống cư dân hai bên.
Cao tốc có trạm dừng nghỉ tại Km40, quy mô 3 ha mỗi bên, chi phí giải phóng mặt bằng được tính trong tổng mức đầu tư dự án.
Dự án có tổng mức đầu tư 8.980 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.680 tỷ đồng, vốn nhà nước 1.300 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn là 18 năm 2 tháng.
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200 km, kết nối TP HCM với Tây Nguyên. Hai dự án thành phần còn lại là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đã được tỉnh Lâm Đồng đề xuất đầu tư với tổng số vốn lần lượt là 19.500 và 12.500 tỷ đồng.
Tuyến Dầu Giây - Tân Phú sẽ kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 20. Tuyến đường cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.