Thông tin từ Báo Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà qua qua đã ký Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự kiến đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng với đó, tỉnh này sẽ phát triển du lịch với nhiều loại hình theo định hướng "ba quốc gia, một điểm đến"; sản phẩm dịch vụ với trọng tâm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khác.
Tập trung phát triển hạ tầng Khu du lịch sinh thái Măng Đen đạt các tiêu chí của Khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế.
Phát triển kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ dựa trên tập trung đầu tư phát triến kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ).
Phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh trong liên kết vùng, bao gồm: Chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm sản chủ lực gắn với chế biến; chuỗi giá trị năng lượng tái tạo; chuỗi giá trị ngành hàng khai khoáng.
Về không gian lãnh thổ, phát triển ba trung tâm đô thị động lực gồm Đô thị trung tâm (TP Kon Tum và các đô thị vệ tinh, cửa ngõ); Trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi - Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y); Trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng đen và Khu du lịch sinh thái Măng Đen).
Phát triển ba hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị động lực chủ đạo gồm hành lang đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) và cao tốc Bắc Nam; hành lang quốc lộ 24 và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; hành lang quốc lộ 40B.
Bên cạnh đó, hình thành các khu du lịch trọng điểm gắn với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, khu du lịch sinh thái Măng Đen và thành phố Kon Tum. Dự kiến đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có dịch vụ chuyên nghiệp, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về phương hướng phát triển, hoàn chỉnh 5 loại sản phẩm du lịch: Sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa - lịch sử, cộng đồng và chuyên đề với hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cơ cấu ngành theo hướng chuyên nghiệp và khẳng định thương hiệu đặc trưng có bản sắc riêng.
Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Hoàn chỉnh thiết chế và vận hành hiệu quả các khu, điểm du lịch trong mối liên kết nội địa và quốc tế với Lào, Campuchia và các nước tiểu vùng Mê Kông.