Duyệt quy hoạch tỉnh Phú Yên, sẽ phát triển dịch vụ logistics gắn với sân bay Tuy Hòa

Theo Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ tập trung phát triển dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa.

Một góc Phú Yên. (Ảnh: Báo Nông nghiệp).

Thông tin từ Báo Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa qua đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Phú Yên sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, đưa Phú Yên trở thành một trong những tỉnh có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của vùng, các khu công nghiệp với công nghệ hiện đại thu hút đầu tư các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Phát triển các ngành công nghiệp và các sản phẩm quan trọng là thế mạnh của tỉnh, song song với việc nâng cao trình độ công nghệ và áp dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn.

Phát triển các ngành công nghiệp động lực gắn với kinh tế biển, mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp hiện có theo hướng sản xuất sản phẩm tinh, sản phẩm chế biến sâu với hàm lượng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, có giá trị gia tăng cao.

Phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như sau: Luyện kim; lọc, hóa dầu; sản xuất năng lượng (điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng mới hydro, Amoniac xanh...); hóa chất (hóa dược, phân bón..); chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ khí - chế tạo; sản xuất sản phẩm gắn công nghệ số (sản xuất các sản phẩm thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, công nghiệp tự động hóa, thiết kế và sản xuất chíp..); …

Cùng với đó, phát triển thương mại - dịch vụ tỉnh Phú Yên gắn với hiện đại hóa hạ tầng thương mại và cơ cấu hợp lý về số lượng, loại hình và không gian; kết nối thị trường thành thị và nông thôn trên địa bàn Tỉnh và kết nối mở rộng thị trường khu vực và cả nước.

Phát triển du lịch tỉnh Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa; lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt, cùng với du lịch MICE.

Thành lập Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững.

Bên cạnh đó, Phú Yên cũng tập trung phát triển dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa trên cơ sở tập trung cải thiện các dịch vụ lưu kho nội địa, các dịch vụ giá trị gia tăng và cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

Cùng với đó, hình thành các trung tâm logistics gắn với các đô thị lớn của Tỉnh và các khu công nghiệp trên địa bàn.

Phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, là điểm tựa vững chắc cho sản xuất. Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, tiếp cận với trình độ hiện đại, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực.

chọn
Bất động sản tháng 4/2024: Ban hành nghị định về lấn biển; giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng nóng
Trong tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển; Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội xử lý hành vi thổi giá chung cư; Long An, Hậu Giang được duyệt chuyển đổi đất lúa làm loạt dự án nghìn tỷ; Bình Dương chấp thuận đầu tư KĐT tỷ USD;...