Nhiều dự án ở tỉnh Phú Yên chậm tiến độ do vướng mặt bằng

Tại tỉnh Phú Yên, hàng loạt dự án có vốn đầu tư công không thể triển khai thi công và hoàn thành đúng tiến độ.

Nguyên nhân của tình trạng này là do hầu hết dự án đều vướng giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho người dân. Nếu không khắc phục được vấn đề này, Phú Yên khó có thể hoàn thành được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023. Kéo theo đó, địa phương phải chịu thêm các hệ lụy về môi trường đầu tư, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai…

Thi công 99% nhưng không thể hoàn thành dự án

Năm 2022, Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên tiếp tục được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, tổ chức triển khai thi công xây dựng 8 dự án với tổng số vốn hơn 977 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương. Thế nhưng, đơn vị này chỉ giải ngân hơn 515 tỷ đồng, đạt 52,74% tổng các nguồn vốn. Đáng chú ý, có nhiều dự án đến nay đã thi công kéo dài nhiều năm, khối lượng lớn nhưng không thể hoàn thành vì còn vướng giải phóng mặt bằng.

Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa thi công trên quy mô diện tích 58,57 ha với tổng mức đầu tư hơn 402 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh với thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2023 và phân kỳ làm 2 đợt.

Đợt 1 đã thi công hoàn thành và đã bàn giao cho các đơn vị quản lý sử dụng. Đợt 2 được triển khai xây dựng từ quý IV/2019 và khối lượng xây lắp đạt khoảng 80% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên khối lượng còn lại không thể triển khai thực hiện thi công vì vướng mặt bằng duy nhất 1 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, chưa bàn giao mặt bằng thi công với diện tích khoảng 10.000 m2.

Tại Dự án San nền Khu tri thức và đầu tư đoạn đường số 6, đoạn đường Phan Chu Trinh thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa có quy mô diện tích 54,29 ha với tổng mức đầu tư 185 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2023. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 11/2018, đến nay giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đạt khoảng 99% giá trị hợp đồng nhưng cũng không thể hoàn thành vì phạm vi thi công dự án vẫn còn vướng mặt bằng của 3 hộ dân với diện tích 3.312 m2.

Từ tháng 11/2015, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên đã tổ chức triển khai thi công Dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà. Qua 8 năm, giá trị khối lượng thực hiện dự án đạt khoảng 353 tỷ đồng, tương ứng khoảng 84% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên phần còn lại đang vướng giải phóng mặt bằng của một số hộ dân nên buộc phải tạm dừng thi công.

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến các khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thực hiện các dự án, ông Lê Xuân Hùng, Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên cho rằng, chính sách, chế độ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nhiều bất cập, chưa rõ ràng so với thực tiễn nên khi thực hiện còn lúng túng. Các cơ quan chức năng địa phương chưa nhất quán như trong việc xác định giá cây trồng, vật nuôi, thủ tục xác định giá đất cụ thể, nghĩa vụ tài chính thời điểm khi người dân nhận đất tái định cư so với thời điểm phê duyệt phương án bồi thường...

Bên cạnh đó, các hộ dân bị ảnh hưởng dự án còn đòi hỏi nhiều về quyền lợi khi Nhà nước bồi thường. Một số trường hợp kiên quyết không nhận tiền bồi thường vì cho rằng đơn giá bồi thường còn thấp, yêu cầu cấp đất tái định cư và chi trả các khoản hỗ trợ không phù hợp...

Mặt bằng sạch - giải pháp cấp thiết

Để các dự án do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư có thể hoàn thành và đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023, việc giải phóng mặt bằng là then chốt. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các địa phương có dự án đi qua là thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa phải hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư trong tháng 4/2023 và chậm nhất là trong quý III năm nay.

Trước những yêu cầu bức thiết về giải phóng mặt bằng để thi công các dự án đang chậm tiến độ, chính quyền địa phương cũng đã tính đến phương án thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Ông Huỳnh Nguyễn Ngọc Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đông Hòa cho biết, địa phương đang kiện toàn lại bộ máy nhân sự để  kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất và xây dựng phương án đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Chính quyền cơ sở sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, chia sẻ và bàn giao sớm mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công. Đối với một số vị trí, địa phương đã tính đến phương án cưỡng chế để giải phóng mặt bằng.

Tại tỉnh Phú Yên đang cùng một lúc thực hiện nhiều dự án quan trọng như: tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án cải tạo đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh Phú Yên, dự án Bệnh viện Sản – Nhi Phú Yên… Tất cả các dự án này đều đòi hỏi phải giải phóng mặt bằng sớm thì mới đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Đối với chính quyền địa phương, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân để sớm bàn giao đất cho chủ đầu tư thi công dự án là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

Theo ông Lê Tấn Hổ - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hiện nay. Các địa phương có dự án đầu tư phải tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư để người dân nhận thức, chấp hành tốt.

Cùng với việc nâng cao năng lực bộ máy cán bộ làm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các đơn vị, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, tiến độ thi công và giải ngân vốn; kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.