Các nhà thầu tại dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang đang tập trung nhân lực, máy móc để thi công những hạng mục chính như các nút giao, cầu vượt và hầm xuyên núi.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2), Ban Quản lý dự án 7 được giao 2 dự án thành phần là Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong – Nha Trang đi qua 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Sau 3 tháng từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phát lênh khởi công, các nhà thầu đang tập trung nhân lực, máy móc để thi công những hạng mục chính như các nút giao, cầu vượt và hầm xuyên núi. Trong khi đó phần đường vẫn đang gặp khó khăn về mặt bằng.
Cụ thể, dự án thành phần Chí Thạnh – Vân Phong gồm 2 gói thầu xây lắp. Gói thầu số 1 đoạn km0+00 – km24+00 (XL-01), do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Công ty cổ phần Tập đoạn Phúc Lộc, Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và thương mại 68 thi công. Gói thầu có tổng giá trị hơn 4.300 tỷ đồng được khởi công từ 2/3/2023.
Trong khi đó, gói thầu số 2 đoạn km24+00 – km48+052 (XL-02), do liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung thi công. Gói thầu có tổng giá trị hơn 4.100 tỷ đồng được khởi công từ 1/1/2023.
Đến nay, các nhà thầu đã bố trí 29 mũi thi công gồm 17 mũi thi công đường, 11 mũi thi công cầu và 1 mũi thi công hầm). Trong đó: Gói thầu XL-01: đã huy động 8 mũi thi công (6 mũi thi công đường, 1 mũi thi công cầu và 1 mũi thi công hầm) Gói thầu XL-02: đã huy động 21 mũi thi công (11 mũi thi công đường và 10 mũi thi công cầu). Nhân sự huy động trên cả dự án khoảng 300 nhân sự cùng 118 thiết bị, máy móc.
Tại hạng mục cầu Đà Rằng do Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C thi công, đại diện doanh nghiệp này cho hay, hiện đã huy động 5 mũi thi công cho hạng mục này. Nhà thầu tập trung khoan cọc và chuẩn bị bãi đúc dầm. Tuy nhiên hai đầu cầu của hạng mục này vẫn vướng mặc bằng, đề nghị chính quyền địa phương sớm giải quyết.
Tại hạng mục thi công hầm đường bộ Tuy An có chiều dài hơn 1.020 m, chiều rộng hơn 14 m với 2 ống hầm do Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô xây dựng khoảng 500 m, số còn lại do Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung triển khai.
Chia sẻ về công trình này, đại diện Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô cho biết, đơn vị phục trách thi công đào từ phía Bắc hầm. Hạng mục được triển khải từ 2/3/2023, hiện doanh nghiệp đã bố trí máy móc thiết bị để mở cửa hầm cùng với đó là lắp trạm trộn bê tông, nhà điều hành và làm đường công vụ.
Về khó khăn của hạng mục này, đại diện Tổng công ty xây dựng Lũng Lô cho hay, do địa chất tại vùng Phú Yên khá yếu không thể đào mộc lúc khối lượng lớn mà chỉ được đào khối lượng nhỏ đồng thời phải gia cố ngay để đảm bảo kết cấu hầm.
Thông tin về mặt bằng, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 cho biết, đến thời điểm này, địa phương đã bàn giao 42,6 km trong tổng số 48,05 km của dự án đạt 88,65%, tuy nhiên thực tế nhà thầu mới tiếp cận để thi công được khoảng 21,41 đạt khoảng 51%. Bên cạnh đó, việc triển khai thủ tục xây dựng 6 khu tái định cư theo quy định thủ tục đang kéo dài; việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp nhất là hệ thống điện cao thế, khả năng khó đáp ứng tiến độ hoàn thành vào 30/6/2023 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Về mỏ vật liệu xây dựng, hiện tại dự án cao tốc Chí Thạnh – Vận Phòng, các mỏ đất phục vụ thi công dự án gặp vướng mắc về cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất. Đặc biệt, việc nhà thầu tự thương thảo đền bù, giải phóng mặt bằng với các chủ mỏ sẽ gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ đội giá, chèn ép giá, hiện các chủ đất đang yêu cầu chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao hơn giá nhà nước từ 1,5 - 2 lần).
Để tạo điều kiện cho nhà thầu thi công, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị các chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng có giải pháp cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 6 khu tái định cư để sớm tổ chức tái định cư cho các hộ dân và bàn giao mặt bằng cho dự án
Về mỏ vật liệu xây dựng, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị các địa phương phối hợp hỗ trợ chủ đầu tư, các nhà thầu thi công trong quá trình làm việc với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ để xác định phương án, đơn giá chuyển nhượng hoặc thuê quyền sử dụng đất cho phù hợp; ban hành, xác định giá chuyển nhượng, giá thuê quyền sử dụng đất làm cơ sở quản lý chi phí.
Đối với dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang, đại diện Ban Quản lý dự án 7 thông tin, dự án này có 2 gói thầu. Theo đó gói thầu XL-01 do liên danh Công ty Lizen, Công ty Phương Thành, Công ty Hải Đăng, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C thực hiện. Hiện các nhà thầu đã huy động 214 nhân sự; 104 máy thi công các loại; triển khai 10 mũi thi công đường; 8 mũi thi công cầu.
Gói thầu số 2 do liên danh Tập đoàn Sơn Hải và Vinaconex triển khai. Hiện các nhà thầu tại gói thầu này đã tổ chức 12 mũi thi công bao gồm 6 mũi thi công đường, 6 mũi thi công cầu với hàng trăm nhân sự.
Tương tự dự án Chí Thạnh – Vân Phong, dự án Vân Phong – Nhà Trang mặc dù hiện địa phương đã bàn giao được 57,82 km trong tổng 83,35 km đạt 69%.
Tuy nhiên nhà thầu đã tiếp cận để thi công được khoảng 43,43 km đạt khoảng 53%. Bên cạnh đó, phần hạ tầng kỹ thuật chưa được triển khai di dời; một số vị trí đã bàn giao mặt bằng song không liên tục có tình trạng xen kẹp, nhiều đoạn không có đường tiếp cận …
Vì vậy, Ban Quản lý dự án 7 kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các Chủ đầu tư tiểu giải phóng mặt bằng, các sở ban ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng khu tái định cư để tổ chức tái định cư cho các hộ dân và bàn giao mặt bằng cho dự án.
Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), qua kết quả kiểm tra sơ bộ hồ sơ điều chỉnh, phần diện tích rừng trồng là 6,76 ha, phần diện tích này thuộc một phần hạng mục cầu Khánh Bình (cầu lớn) và có khối lượng đất rất lớn để điều phối đắp cho các đoạn tuyến lân cận.
Do đó, kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép UBND huyện Khánh Vĩnh trước mắt phê duyệt phương án bồi thường cây trồng, đồng thời đề nghị doanh nghiệp giao trước mặt bằng phần diện tích rừng trồng cho nhà thầu vào triển khai thi công, đảm bảo tiến độ dự án. Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án 7 cũng đề nghị địa phương đẩy nhanh việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, giải quyết khó khăn về thủ tục mỏ đất, mỏ vật liệu…
Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong dài 48,25 km gồm các hạng mục chủ yếu như phần đường cao tốc; 5 nút giao liên thông; 32 công trình cầu; 1 công trình hầm đường bộ dài 1.020 m; 46 hầm chui; 12 km đường gom... Dự án có tổng mức đầu tư 10.773,606 tỷ đồng; trong chi phí xây lắp, thiết bị là hơn 7.861 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 1.325 tỷ đồng).
Đối với dự án thành phần Vân Phong – Nha Trang có chiều dài 83,35km đi qua 3 huyện, gồm: Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa của tỉnh Khánh Hòa. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 11.808 tỷ đồng.
Tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng có tổng chiều dài gần 56 km, trong đó có một phần đi qua huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.