Khánh Hòa đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa quyết tâm hoàn thành cao nhất việc giải ngân vốn đầu tư công. Đó là nội dung chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương của ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong cuộc họp tổng kết, đánh giá công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh vào diễn ra vào ngày 22/2.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, tổng kế hoạch vốn tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022 là hơn 3.919 tỷ đồng, đạt 83,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã phân bổ kế hoạch vốn hơn 3.564 tỷ đồng; số vốn chưa phân bổ do nguồn thu tiền sử dụng đất cấp huyện không đạt kế hoạch là trên 185 tỷ đồng; số vốn đề nghị điều chuyển về ngân sách Trung ương là gần 170 tỷ đồng, do không còn nhu cầu sử dụng vốn trong năm 2022. Đến ngày 31/1/2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh đạt 91,6% so với kế hoạch vốn được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao thực tế.

Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân đạt 97,9% kế hoạch. Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giải ngân đạt 83,6% kế hoạch; nguồn vốn Trung ương bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 66,5% kế hoạch; nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giải ngân đạt 73,8% kế hoạch; nguồn vốn đầu tư từ nguồn bội chi giải ngân đạt 68,2%.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, nguyên nhân khách quan dẫn đến giải ngân thấp là do hiện nay một số dự án trên địa bàn huyện Cam Lâm đang phải ngừng triển khai để rà soát lại về quy hoạch, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước.

Nguồn thu tiền sử dụng đất thực tế của một số huyện năm 2022 không đạt kế hoạch giao đầu năm, ảnh hưởng đến việc phân bổ và giao kế hoạch vốn thực tế cho các dự án đầu tư công; từ đó, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh. Một số dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn trong năm 2022 nhưng tỉ lệ giải ngân còn thấp do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân còn chậm.

Bên cạnh đó, mặc dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo đối với giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt đơn giá, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án vẫn còn chậm, kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ và giải ngân kế hoạch vốn.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 toàn tỉnh có 14 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân vốn thấp hơn mức giải ngân bình quân chung toàn tỉnh. Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, nguyên nhân Sở đạt tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức giải ngân bình quân chung toàn tỉnh là do dự án Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Nha Trang vướng mắc trong việc thẩm định, mua sắm vật tư y tế; 2 dự án hoàn kết thúc dự án dư tiền đang làm thủ tục trả tiền nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp.

Cùng tỷ lệ giải ngân vốn thấp hai lãnh đạo 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cho biết, huyện bị vướng do thủ tục vốn đầu tư vốn đầu tư cho các chương trình phát triển mục tiêu quốc gia chậm, dẫn đến thời gian giải ngân chậm.

Cùng với đó, tỉnh có 27 đơn vị có tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn cao hơn tỉ lệ giải ngân bình quân chung toàn tỉnh. Về kết quả xếp loại giải ngân năm 2022, toàn tỉnh có 23 đơn vị chủ đầu tư, địa phương đạt loại tốt; 4 đơn vị chủ đầu tư, địa phương xếp loại khá; 14 đơn vị chủ đầu tư loại yếu.

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các thành viên dự họp, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các đơn vị, địa phương nỗ lực khắc phục những tồn tại, khó khăn trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, mong muốn các đơn vị, địa phương thực hiện giải ngân tốt vốn đầu tư công tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2023.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.