Phú Yên bước vào 2023 với những làn gió mới trong quy hoạch

Từ năm 2023, Phú Yên xác định trục động lực phát triển là chuỗi đô thị ven biển Sông Cầu - Tuy An - Tuy Hòa - Đông Hòa. Tại KKT Nam Phú Yên, tỉnh sẽ xây mới ga Đông Hòa Vinh, mở rộng đường Hùng Vương kéo dài.

Một góc TP Tuy Hòa. (Ảnh: Báo Đầu tư) 

Phú Yên là tỉnh ven biển khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, giáp các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Gia Lai. Phía đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 189 km.

Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phú Yên sẽ phối hợp với Bình Định và Khánh Hòa hình thành các vùng kinh tế động lực Nam Bình Định - Bắc Phú Yên, Bắc Khánh Hòa - Nam Phú Yên.

Cùng với đó, hình thành các hành lang kinh tế quốc lộ 25; quốc lộ 29; đường Trường Sơn và các tỉnh Tây Nguyên, kết nối khu vực đông bắc Camphuchia với Nam Lào. trong đó, địa bàn Phú Yên là một trong các cửa mở ra biển Đông cho các tỉnh Tây Nguyên.

Đồng thời, hoàn thành tuyến đường ven biển, xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của vùng; xây dựng khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài có thương hiệu và dịch vụ hàng đầu và hoàn thành tuyến đường ven biển.

Thời gian qua, Phú Yên đã có thêm những định hướng mới trong quy hoạch khu kinh tế Nam Phú Yên. Tỉnh cũng xác đinh những hành lang phát triển mới cho tương lai.

Hai hành lang phát triển mới

Ngày 8/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Phú Yên và một số đề xuất kiến nghị của tỉnh.

Tỉnh xác định phương châm phát triển dựa trên một mũi nhọn; hai hành lang; ba trụ cột; 4 nền tảng; 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, một mũi nhọn là phát triển du lịch. Hai hành lang phát triển gồm hành lang ven biển bắc – nam và hành lang đông - tây nhằm kết nối khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Bốn nền tảng phát triển gồm nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng và số lượng; xây dựng văn hóa và con người tỉnh Phú Yên; đầu tư hạ tầng đồng bộ, kết nối hiện đại và môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Tỉnh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ vướng mắc và thực hiện một số dự án phát triển hạ tầng trên địa bàn như nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai; dự án cầu An Hải.

Cùng với đó, hoàn thiện tuyến ven biển tỉnh Phú Yên; điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cấp, mở rộng sân bay Tuy Hòa; đầu tư mới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên; mở rộng các đoạn còn lại của tuyến Quốc lộ 25, Quốc lộ 29 đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên...

Lấy chuỗi đô thị ven biển Sông Cầu - Tuy An - Tuy Hòa - Đông Hòa làm trục động lực

 Một góc TX Sông Cầu. (Ảnh: UBND tỉnh Phú Yên)

Theo lãnh đạo tỉnh Phú Yên, địa phương hiện có 9 đô thị, gồm một đô thị loại II (TP Tuy Hòa), 1 đô thị loại III (TX Sông Cầu), một đô thị loại IV (TX Đông Hòa) trực thuộc tỉnh và 6 đô thị loại V gồm thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa), thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An).

Đến nay, 100% đô thị của tỉnh đã được lập quy hoạch chung, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu khoảng 47% (tăng 27% so với đầu năm 2015), tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết khoảng 26%(tăng 14% so với đầu năm 2015); với tỷ lệ đô thị hoá toàn tỉnh năm nay khoảng 41,5%.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Yên đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%.

 

Tỉnh đã xác định được trục đô thị ven biển là trục động lực chính, với chuỗi đô thị ven biển Sông Cầu - Tuy An - Tuy Hòa - Đông Hòa. Trục kinh tế đô thị ven biển này chiếm trên 75% tiềm lực kinh tế của tỉnh, đồng thời tập trung xây dựng một đô thị thông minh trung tâm cấp tỉnh...

Xây mới ga Đông Hòa Vinh, mở rộng đường Hùng Vương kéo dài

Cầu Hùng Vương nối liền TP Tuy Hòa với KKT Nam Phú Yên. (Ảnh: Báo Đầu tư) 

Vừa qua, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Phú Yên khoá VIII.

Theo đó, KKT Nam Phú Yên được điều chỉnh với diện tích 20.730 ha, giảm 250 ha so với trước đây do cập nhật lại ranh giới tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được Bộ Giao thông Vận tải thỏa thuận với địa phương.

Theo UBND tỉnh, nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó KKT Nam Phú Yên sẽ trở thành Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng; là một trung tâm dịch vụ - du lịch cấp quốc gia, khu vực.

Khu kinh tế này nằm trên địa giới hành chính của phường Phú Lâm và các phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, xã Hòa Tâm và một phần các xã Hòa Xuân Nam, Hòa Xuân Đông, phường Hòa Vinh (thuộc TX Đông Hòa).

Cấu trúc quy hoạch đến năm 2040 với hình thái, không gian kiến trúc, tính chất và vị trí các khu chức năng của KKT Nam Phú Yên theo Quy hoạch chung năm 2009, nhưng có điều chỉnh.

Cụ thể, vành đai công nghiệp phía tây có hai trung tâm công nghiệp gắn với sân bay Tuy Hòa ở phía Bắc và cảng Bãi Gốc ở phía nam để phát huy năng lực hạ tầng kỹ thuật khung quốc gia sân bay, cảng biển, đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Vành đai ven biển ở phía đông phát triển dịch vụ du lịch và đô thị. Hành lang xanh ven sông Ba và sông Bàn Thạch phát triển không gian sinh thái và dịch vụ du lịch. Ngoài ra còn có ba trung tâm phát triển chính sẽ được hình thành gồm trung tâm đô thị và hậu cần sân bay, trung tâm đô thị Hòa Vinh, Trung tâm đô thị thương mại ven biển.

Bên cạnh đó còn có tam giác phát triển du lịch phía Nam với ba mũi nhọn là khu vực Biển Hồ -  núi Đá Bia; khu du lịch Mũi Điện - Bãi Môn và khu du lịch Hòn Nưa.

Theo quy hoạch, KKT Nam Phú Yên được chia thành 6 phân khu chức năng (điều chỉnh phân khu 5). Trong đó, phân khu 1 là khu vực phát triển đô thị phía bắc sân bay Tuy Hòa, định hướng phát triển khu đô thị sân bay và hình thành quỹ đất hậu cần sân bay - dự trữ phát triển mở rộng sân bay trong tương lai dài hạn, phát triển du lịch sinh thái ven sông Ba. Phân khu 2 là khu vực phát triển đô thị du lịch, dịch vụ ven biển, định hướng phát triển quỹ đất thương mại dịch vụ du lịch hỗn hợp khu vực ven biển.

Phân khu 3 là khu vực phát triển đô thị Hòa Vinh, định hướng hình thành đô thị nén, tập trung tại khu vực lõi Hòa Vinh, kết hợp với hệ thống cây xanh, mặt nước. Khu vực phía Đông Bắc phát triển công nghiệp bảo đảm sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.

Phân khu 4 là khu vực phát triển du lịch, dịch vụ ven sông Bàn Thạch, định hướng phát triển mô hình dịch vụ du lịch sinh thái bán ngập, kết hợp nông nghiệp thủy sản công nghệ cao tại hạ lưu sông Bàn Thạch, phát triển mô hình khu du lịch sinh thái ven sông, trang trại nhà vườn sinh thái.

Phân khu 5 là khu vực phát triển công nghiệp tập trung, có sự điều chỉnh về định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển. Phân khu 6 là khu vực phát triển phía Nam, định hướng hình thành tam giác phát triển du lịch đa dạng, chất lượng cao.

Về định hướng hệ thống giao thông, giao thông đường sắt theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó hoàn thiện tuyến đường sắt cao tốc song song với đường bộ cao tốc Bắc - Nam, xây dựng mới 1 nhà ga và 1 trạm bảo dưỡng đường sắt cao tốc, địa điểm dự kiến ở xã Hòa Thành, TX Đông Hòa để tăng tính kết nối tuyến đường sắt cao tốc với KKT Nam Phú Yên và trung tâm TP Tuy Hòa.

Đầu tư xây mới ga Đông Hòa Vinh thành ga hàng hóa và hành khách, trong đó có nhánh rẽ đường sắt vào cảng Bãi Gốc sẽ được thực hiện theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đường hàng không tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; sân bay Tuy Hòa là sân bay cấp 4C giai đoạn 2021-2030 và nâng cấp mở rộng đạt công suất mỗi năm từ 3 - 5 triệu hành khách.

Về giao thông đô thị, trong KKT Nam Phú Yên mở rộng lộ giới tuyến đường Hùng Vương kéo dài với quy hoạch mặt đường rộng 57 - 63 m để đảm bảo kết nối với quốc lộ 29 đảm bảo đủ năng lực khai thác vận tải hàng hóa từ cảng Bãi Gốc lên Tây Nguyên và tuyến giao thông đô thị ven biển.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.