Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh này vừa phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2040. Theo đó, TP Kon Tum sẽ phát triển theo hướng 3 đường vành đai và 6 vùng phát triển.
Cụ thể, vành đai 1 là khu đô thị hiện hữu (cải tạo, chỉnh trang); vành đai 2 là khu phát triển mới; vành đai 3 là khu vực phát triển các động lực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.
6 vùng phái triển gồm: Vùng 1 - khu phát triển mới (đô thị mới phía bắc); Vùng 2 - khu trung tâm hiện hữu (cải tạo, chỉnh trang); Vùng 3 - khu phát triển mới phía đông; Vùng 4 - khu phát triển mới (đô thị mới phía nam); Vùng 5 - khu nông thôn phía đông; Vùng 6 - khu nông thôn phía tây. Các vùng phát triển đều lấy khu vực dọc dòng sông Đăk Bla làm trục không gian cảnh quan chủ đạo.
Khu vực mở rộng đô thị phía bắc gồm: Khu đô thị phía tây bắc với quy mô diện tích khoảng 1.959,42 ha, thuộc các phường: Ngô Mây, Quang Trung và xã Vinh Quang. Là khu vực làng xóm đô thị hóa, mở rộng phát triển đô thị của thành phố. Khu đô thị phía bắc với quy mô diện tích khoảng 5.604,70 ha, thuộc các phường: Ngô Mây, Duy Tân, Trường Chinh và xã Đăk Cấm. Là khu trung tâm hành chính của thành phố, phát triển khu ở mật độ thấp kết hợp công viên cây xanh, thương mại dịch vụ khu vực cửa ngõ phía bắc thành phố; cụm công nghiệp và đất dự trữ phát triển của thành phố.
Khu trung tâm hiện hữu (Khu cải tạo, chỉnh trang) với quy mô diện tích khoảng 1.142 ha, thuộc các phường: Quyết Thắng, Quang Trung, Trường Chinh, Thắng Lợi, Thống Nhất, Duy Tân. Là nơi tập trung dân cư mật độ cao. Bố trí các trung tâm chính trị - hành chính cấp tỉnh, cấp thành phố và trung tâm thương mại - dịch vụ, tổ hợp du lịch - thể thao tạo nên một đô thị tập trung tổng hợp đa chức năng. Thực hiện công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu vực dân cư hiện hữu. Điều chỉnh một số khu vực chức năng nhằm tái thiết xây dựng các chức năng mới phù hợp với định hướng chung của toàn khu vực.
Khu vực mở rộng đô thị phía đông với Quy mô diện tích khoảng 582 ha, thuộc các phường: Thắng Lợi, Trường Chinh và xã Đăk Rơ Wa. Là khu ở mật độ thấp và khu đô thị sinh thái kết hợp thể dục thể thao.
Khu vực mở rộng đô thị phía nam gồm: Khu vực phát triển mới - khu đô thị hai bên bờ sông Đăk Bla với quy mô diện tích khoảng 5.218 ha, thuộc các phường: Thống Nhất, Thắng Lợi và các xã: Đăk Rơ Wa, Chư Hreng. Là khu trung tâm hành chính của tỉnh, khu ở mới dọc sông Đăk Bla gắn với phát triển thương mại dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao. Khu vực đô thị phía nam với quy mô diện tích khoảng 2.185 ha, thuộc các phường: Nguyễn Trãi, Lê Lợi và Trần Hưng Đạo. Là khu ở gắn với phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch...
Trước đó, vào tháng 1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà qua qua đã ký Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch được duyệt, tỉnh Kon Tum sẽ phát triển ba trung tâm đô thị động lực gồm Đô thị trung tâm (TP Kon Tum và các đô thị vệ tinh, cửa ngõ); Trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi - Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y); Trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng đen và Khu du lịch sinh thái Măng Đen).
Phát triển ba hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị động lực chủ đạo gồm hành lang đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) và cao tốc Bắc Nam; hành lang quốc lộ 24 và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; hành lang quốc lộ 40B.
Bên cạnh đó, hình thành các khu du lịch trọng điểm gắn với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, khu du lịch sinh thái Măng Đen và TP Kon Tum. Dự kiến đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có dịch vụ chuyên nghiệp, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về phương hướng phát triển, hoàn chỉnh 5 loại sản phẩm du lịch: Sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa - lịch sử, cộng đồng và chuyên đề với hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cơ cấu ngành theo hướng chuyên nghiệp và khẳng định thương hiệu đặc trưng có bản sắc riêng.
Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Hoàn chỉnh thiết chế và vận hành hiệu quả các khu, điểm du lịch trong mối liên kết nội địa và quốc tế với Lào, Campuchia và các nước tiểu vùng Mê Kông.