Cầu đi bộ là công trình thứ ba sẽ được xây dựng kết nối phía Thủ Thiêm, TP Thủ Đức sang quận 1, sau hầm vượt sông Sài Gòn và cầu Ba Son đã đưa vào khai thác. Với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, cầu dài khoảng 500 m, bắc ngang sông Sài Gòn kết nối từ khu vực công viên bến Bạch Đằng, quận 1, sang công viên bờ sông phía nam Quảng trường trung tâm của Khu đô thị Thủ Thiêm.
Theo phương án kiến trúc được thành phố phê duyệt, cầu đi bộ có hình tượng lá nước dừa - hình ảnh đặc trưng ở Nam Bộ. Thiết kế này được cho sẽ gây ấn tượng mạnh khi nhìn từ trên cao, phối cảnh lá dừa khổng lồ nổi bật giữa lòng sông, nối liền khu trung tâm hiện hữu sang trung tâm mới của thành phố trong tương lai - Khu đô thị Thủ Thiêm.
Đơn vị thiết kế đưa ra phương án các trụ cầu nằm gần bờ nhằm tạo tĩnh không và không gian thông thoáng trên sông, giúp tàu thuyền thuận tiện di chuyển. Cầu cũng được bố trí thác nước tuần hoàn, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cùng các khu tiểu cảnh, cùng các tiện ích...
Thiết kế cầu đi bộ được Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM đánh giá độc đáo, ấn tượng, chưa trùng lắp, giản dị, kỳ vọng tạo sức hút với người dân, du khách đến thành phố. Khi khai thác, cầu không chỉ phục vụ người đi bộ mà còn là điểm đến tham quan, vui chơi cộng đồng trong điều kiện trung tâm thành phố đang thiếu không gian mở.
Ngoài kiến trúc độc đáo, cầu đi bộ cũng là công trình quy mô lớn nhất từ trước đến nay được một doanh nghiệp tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng. Công trình dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Cũng là dự án trọng điểm kết nối Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn sang quận 7 đang được ngành giao thông thành phố xúc tiến đầu tư. Cầu dài 2 km, 6 làn xe, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Công trình được đề xuất có điểm đầu kết nối đại lộ Nguyễn Văn Linh tại nút giao đường dẫn cầu Tân Thuận 2, quận 7. Điểm cuối nối vào đường Nguyễn Cơ Thạch ở giao lộ với tuyến R4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khác những cây cầu đã xây dựng trên địa bàn, Thủ Thiêm 4 có thiết kế đặc biệt khi nhịp chính thông thuyền có thể nâng hạ tĩnh không từ 15 m lên 45 m. Giải pháp này được đưa ra nhằm thuận tiện cho tàu lớn chạy qua, giúp phát triển giao thông, du lịch đường thuỷ. Đây cũng là điều kiện để khai thác không gian đô thị tại cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, nơi được định hướng là cảng khách quốc tế sau này.
Dù có một số ý kiến lo ngại thiết kế trên có thể gây kẹt xe khi nâng hạ cầu, nhưng Sở Giao thông Vận tải cho rằng vấn đề này không đáng lo vì cầu chỉ nâng hạ về đêm khi ít phương tiện. "Trong khi công nghệ hiện nay cũng tự động, tốn khoảng 10 phút cho mỗi lần nâng hạ sẽ không tác động nhiều đến giao thông xung quanh", đại diện Sở nói.
TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu, đường thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM, nói cầu đi bộ và Thủ Thiêm 4 ở "mặt tiền" trung tâm thành phố nên ngoài phục vụ đi lại, đòi hỏi thẩm mỹ cao. Trong đó, với cầu Thủ Thiêm 4, nằm ở cửa ngõ cảng Nhà Rồng nên nếu xây thấp sẽ cản trở rất lớn hoạt động của nơi này. Trong khi xây cao cần đường dẫn dài, sẽ phá cảnh quan tại khu vực.
"Làm hầm vượt sông cũng không phải giải pháp lý tưởng vì chi phí xây dựng quá đắt", ông nói, thêm rằng thiết kế nâng hạ nhịp cầu Thủ Thiêm 4 chưa có trong nước, song một số quốc gia đã áp dụng như cầu Pont Jacques Chaban - Delmas ở Pháp. Đây là công trình nổi tiếng ở quốc gia này, thu hút du lịch khi tạo ấn tượng về thiết kế độc đáo.
Ở phía nam thành phố, cầu nối hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè dự kiến được khởi công năm 2025. Cầu Cần Giờ được nghiên cứu có tổng chiều dài khoảng 7,3 km, nối từ đường 15B (song song Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè), sau đó vượt sông Soài Rạp nối vào đường Rừng Sác ở Cần Giờ.
Theo phương án thiết kế được UBND TP HCM lựa chọn, Cần Giờ là cầu dây văng với ý tưởng phác họa hình tượng cây đước - đặc trưng của huyện Cần Giờ, tạo điểm nhấn kiến trúc ở Nam Sài Gòn. Công trình khi hoàn thành cũng sẽ là cầu dây văng dài nhất TP HCM, so với những cầu đã xây dựng là Phú Mỹ (dài hơn 2 km) và Ba Son (gần 1,5 km).
Theo Sở Giao thông Vận tải, cầu Cần Giờ dự kiến triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), tổng vốn hơn 10.500 tỷ đồng, hoàn thành năm 2028. Khi khai thác, cầu sẽ tạo trục giao thông huyết mạch liên kết Nam Sài Gòn với khu trung tâm, phá thế "độc đạo" của phà Bình Khánh đang quá tải.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, nói các công trình giao thông ở thành phố hiện được chú trọng hơn về thiết kế, thẩm mỹ, thay vì chủ yếu tập trung vào kỹ thuật và chất lượng như trước. Nhiều cây cầu, nút giao lớn trên địa bàn được thi tuyển phương án kiến trúc do thành phố hướng tới hình thành các công trình mang tính biểu tượng, trong đó gồm cầu đi bộ và Thủ Thiêm 4.
Theo ông Phúc, các cây cầu trên không đơn thuần là công trình giao thông mà còn mang ý nghĩa về văn hóa, tầm nhìn phát triển, nhất là khi thành phố đang hướng đến khai thác các tiềm năng du lịch, kinh tế trên sông Sài Gòn. "Cầu đi bộ, Thủ Thiêm 4 và Cần Giờ sẽ không chỉ là những công trình tốt, chất lượng mà còn kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc, biểu tượng sự hiện đại của thành phố", ông nói.