Nằm về phía tây nam tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành được đánh giá có vị trị địa lý thuận lợi khi nằm gần các đô thị lớn như TP HCM và Biên Hòa, Vũng Tàu. Đây là địa phương có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế động lực miền Đông Nam Bộ.
Những lợi thế phát triển của địa phương này còn được "bồi đắp" nhờ sự cộng hưởng của dự án sân bay Long Thành quy mô lớn nhất cả nước, kết hợp các tuyến cao tốc, dự án giao thông trọng điểm và hạ tầng kỹ thuật về đô thị, khu công nghiệp,...
Ðầu tháng 4/2021, UBND tỉnh Ðồng Nai đề xuất phát triển toàn bộ huyện Long Thành trở thành đô thị. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, huyện Long Thành sẽ được nâng cấp lên đô thị loại IV, đến năm 2030 nơi đây sẽ trở thành đô thị loại III. Điều này có nghĩa Long Thành sẽ trở thành thành phố năng động, hướng đến xây dựng một vùng phát triển kinh tế động lực của tỉnh, thuộc vùng đô thị trung tâm, là cực đông của TP HCM.
Theo đồ án quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, vùng huyện Long Thành sẽ được phân thành 5 phân vùng phát triển, gồm vùng thị trấn Long Thành hiện hữu mở rộng thêm với khu phức hợp công nghiệp - đô thị dịch vụ, vùng đô thị Bình Sơn, khu dịch vụ thương mại - hỗn hợp phía tây của huyện, vùng đô thị chức năng đặc thù sân bay Long Thành và vùng công nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao phía nam sân bay Long Thành.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết đến nay, huyện Long Thành đã đạt 33/59 tiêu chí của một đô thị. Các tiêu chí còn lại, địa phương này phấn đấu đến năm 2025, Long Thành trở thành thành phố, bỏ qua bước từ huyện lên thị xã.
Hiện trên địa bàn huyện đang triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lớn nhất cả nước với quy mô hơn 16 tỷ USD, diện tích 5.000 ha. Công trình này hứa hẹn sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ, là cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của huyện Long Thành, mà còn của tỉnh Đồng Nai, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước nói chung.
Giai đoạn 1 "siêu dự án" sân bay Long Thành đã chính thức được khởi công xây dựng vào đầu năm 2021. Theo tiến độ thực hiện, năm 2022, một trong những hạng mục quan trọng nhất của dự án là nhà ga công suất 25 triệu hành khách/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng, sẽ được triển khai thực hiện.
Khi hoàn thành toàn bộ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, hình thành cửa ngõ giao thương quan trọng góp phần thúc đẩy nền kinh tế của khu vực và quốc gia.
Sau năm 2030, sân bay Long Thành sẽ trở thành điểm trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á với ba giờ bay kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Mới đây, trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai dự án, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) sớm triển khai các hạng mục công trình tại dự án sân bay Long Thành, hoàn thành công tác xây dựng trong quý I/2025, vận hành chạy thử trong 6 tháng, đưa vào khai thác chính thức vào dịp Quốc khánh 2/9/2025.
Trong khi đó, vùng huyện Long Thành được xác định sẽ là một "thành phố sân bay" - mô hình xuất hiện lần đầu tại Việt Nam. Bên cạnh giá trị kinh tế đến từ lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không, khi lượng hành khách sử dụng loại hình vận tải này tăng cũng sẽ thúc đẩy hoạt động tiêu dùng.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã giao huyện Long Thành tính toán lại khu vực gần 200 ha giáp sân bay phát triển thương mại dịch vụ để thu hút hành khách trong lúc đợi chuyến bay trong 2-3 giờ có thể mua sắm, vui chơi giải trí.
Đối với Đồng Nai, để có thể khai thác tối đa hiệu quả từ dự án sân bay Long Thành, tỉnh đã quy hoạch đầu tư mạng lưới giao thông kết nối giữa các địa phương trong tỉnh với sân bay.
Đầu tiên là dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 huyện Thống Nhất và huyện Long Thành với chiều dài khoảng 30 km, tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022-2027. Tuyến sẽ nối điểm giao quốc lộ 1 tại ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất với quốc lộ 51 tại ngã tư Lộc An, huyện Long Thành.
Đồng Nai cũng đã phê duyệt đầu tư hai dự án gồm đường tỉnh 773 và 770B để kết nối với các tuyến quốc lộ, đường cao tốc và các địa phương khác với sân bay Long Thành.
Tuyến đường tỉnh 770B là dự án được xây dựng mới hoàn toàn với chiều dài khoảng 42,5 km, tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Dự án nối điểm giao đường tỉnh 763 tại xã Suối Nho (huyện Định Quán) với điểm cuối tuyến giao tại quốc lộ 51 tại xã Phước Thái (huyện Long Thành).
Tuyến đường khi hoàn thành xây dựng sẽ tạo sự kết nối giữa các huyện phía đông, đông bắc của tỉnh với sân bay Long Thành cũng như các khu công nghiệp (KCN) sẽ được mở mới trong thời gian tới gồm: KCN Xuân Quế - Sông Nhạn và KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp.
Đồng thời, đây cũng là tuyến đường kết nối các địa phương ở phía đông và đông bắc của tỉnh với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Còn đường tỉnh 773 sẽ là tuyến kết nối hai huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ đến sân bay Long Thành cũng như KCN Xuân Quế - Sông Nhạn. Đồng thời tuyến cũng giảm tải lưu lượng xe cho tuyến quốc lộ 1. Dự án này có vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để kết nối giao thông với sân bay Long Thành, hiện Đồng Nai đang thực hiện hai dự án khác là đường số 1 và số 2.
Theo quy hoạch, tuyến đường số 1 dài 3,8 km. Dự án sẽ đi từ cổng phía tây sân bay Long Thành kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và điểm cuối khớp nối với đường tỉnh 25C. Tuyến số 2 dài 3,5 km, điểm đầu giao với tuyến số 1, kéo dài song song với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đối với tuyến số 1, đề xuất quy mô giai đoạn 1 đối với đoạn khớp nối với đường tỉnh 25C có chiều rộng mặt đường 38 m với quy mô 8 làn xe; đoạn từ quốc lộ 51 đến giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu quy mô 6 làn xe (quy hoạch được duyệt 16 làn xe) và đoạn từ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến cổng sân bay Long Thành đầu tư với quy mô 6 làn xe.
Đối với tuyến số 2, đầu tư xây dựng đường song hành với chiều rộng 10,5 m mỗi chiều đảm bảo quy mô 4 làn xe, mỗi chiều hai làn xe.
Tháng 9/2021, UBND tỉnh Đồng Nai cũng có quyết định phê duyệt dự án xây dựng đường 25C dài 3 km nhằm kết nối sân bay Long Thành với cảng Phước An. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 620 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án là không quá 4 năm.
Đối với các tuyến liên vùng Đông Nam Bộ và các khu vực khác, hàng loạt cao tốc, dự án giao thông trọng điểm cũng đã và đang được triển khai đầu tư nhằm tạo thuận lợi cho việc kết nối với sân bay Long Thành.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đi qua TP HCM và Đồng Nai, khai thác giai đoạn 1 từ năm 2015, tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng. Những năm gần đây, cao tốc này thường quá tải do lượng xe tăng cao. Theo nghiên cứu, tuyến này sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe đoạn dài gần 24 km, từ nút giao An Phú đến vị trí giao dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31 km giữ nguyên 4 làn như hiện nay.
Tuyến cao tốc Long Thành - Bến Lức được khởi công tháng 7/2014, dài 47 km đi qua các tỉnh Long An, TP HCM và Đồng Nai với tổng mức đầu tư 31.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, dự án này sẽ thông xe vào cuối năm 2018 nhưng do thiếu vốn và vướng mặt bằng nên bị trễ tiến độ. Theo dự kiến, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ về đích vào cuối năm 2023.
Công trình sẽ giúp kết nối giao thương giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Đặc biệt, khi sân bay Long Thành hoạt động, tuyến đường sẽ giảm tải cho cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Dự án phân kỳ giai đoạn 1 với 4 làn xe, thiết kế 120 km/h, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022. Khi hoàn thành, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội với trục cao tốc Bắc Nam.
Một tuyến khác là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sắp được trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, có chiều dài khoảng 53,7 km, nối tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa với điểm giao quốc lộ 56 tại TP Bà Rịa. Tổng mức đầu tự án là 19.616 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Khi hoàn thành, dựa án sẽ giúp giảm tải quốc lộ 51 và đồng bộ các tuyến đường khác trên hành lang vận tải TP HCM - Vũng Tàu. Tuyến đường này cũng sẽ kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Đây cũng được xem là một trong những trục giao thông quan trọng bậc nhất trong kết nối vùng Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, các dự án vành đai 3 và vành đai 4 liên kết 5 tỉnh thành miền Đông Nam Bộ sau khi hoàn chỉnh toàn bộ cũng sẽ giúp kết nối sân bay Long Thành với các công trình giao thông khác, mở rộng không gian và tạo nên bước đệm về hạ tầng cho toàn vùng phát triển.
Về hạ tầng đường sắt, mới đây, Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xây dựng hai dự án đường sắt kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, dài khoảng 65 km, điểm đầu từ ga Hố Nai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tổng mức đầu tư là 50.822 tỷ đồng.
Dự án còn lại là tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành dài khoảng 37,5 km, điểm đầu ga Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP HCM; điểm cuối sân bay Long Thành. Tổng mức đầu tư là 40.566 tỷ đồng.
Với những tiềm năng, lợi thế của mình, những năm qua, Long Thành đã trở thành địa chỉ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Hiện nay, đây cũng là một trong những địa phương có số lượng KCN nhiều nhất của tỉnh Đồng Nai
Huyện Long Thành đã được Chính phủ phê duyệt 4 KCN gồm Gò Dầu, An Phước, Tam Phước và Long Thành.
Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, diện tích đất công nghiệp của huyện Long Thành sẽ tăng thêm gần 4.900 ha so với hiện nay.
Diện tích đất công nghiệp tăng thêm thuộc 9 KCN và 4 cụm công nghiệp (CCN). Trong đó gồm các KCN đầu tư xây dựng mới và KCN sẽ mở rộng diện tích như: Phước Bình 1, Phước Bình 2, Phước Bình 3, Phước Bình 4, Long Đức 3, Long Đức, An Phước, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Công nghệ cao Long Thành.
Các CCN được đầu tư trong giai đoạn tới có diện tích khoảng 68 - 75 ha gồm CCN ô tô Đô Thành, Long Phước 1, Bình An và Phước Bình.
Riêng KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp sẽ có diện tích lớn nhất so với các KCN trên địa bàn huyện với quy mô 2.627 ha. Cuối năm 2020, Chính phủ đưa vào quy hoạch dự án này vào mạng lưới KCN Việt Nam. Hiện tỉnh đang phối hợp với các bộ ngành thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng để sớm thành lập và triển khai dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài ra, huyện này cũng sẽ tăng thêm hơn 500 ha đất thương mại dịch vụ và hơn 2.398 ha đất ở đến năm 2030.
Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, huyện Long Thành sẽ triển khai 652 công trình, dự án có tổng diện tích hơn 21.000 ha. Trong đó, riêng lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật có 364 dự án với diện tích gần 7.800 ha.
Tỉnh Đồng Nai cũng duyệt quy hoạch chung xây dựng khu phức hợp Công nghiệp, Đô thị - Dịch vụ Long Thành giai đoạn đến năm 2050, quy mô khoảng 2.560 ha.
Khu phức hợp trong tương lai hình thành hai khu vực đô thị bao gồm khu công nghiệp công nghệ cao - giáo dục đào tạo và khu đô thị dịch vụ. Trong đó, khu công nghiệp công nghệ cao bao gồm các khu chức năng công nghệ cao, logistics, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, khu nghiên cứu phát triển và khu dịch vụ điều hành; khu giáo dục đào tạo bao gồm các trường đào tạo và khu nghiên cứu phát triển; khu đô thị dịch vụ bao gồm các khu chức năng như trung tâm đô thị, các khu ở hiện hữu, khu ở mới, các khu vui cây xanh công viên, các khu du lịch sinh thái cùng các khu trung tâm chuyên ngành khác.
Đáng chú ý, khu phía tây thị trấn Long Thành được đánh giá là khu vực có quỹ đất rộng, có các tuyến hạ tầng quốc gia, hạ tầng vùng đi qua với mật độ cao, nằm ở vị trí trung tâm vùng phát triển đô thị của tỉnh Đồng Nai, kết nối trực tiếp với TP Biên Hòa và khu công nghiệp Long Thành ở phía bắc, với TP Thủ Đức, TP HCM ở phía tây, với đô thị Nhơn Trạch ở phía nam và với thị trấn Long Thành ở phía đông.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, khu vực này được định hướng phát triển tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ và đô thị theo mô hình đô thị công nghệ cao. Trong tương lai sẽ trở thành đô thị khoa học, là không gian đô thị khoa học và công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với không gian trung tâm TP HCM.