Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (21-27/2): FLC muốn xây đường sắt sang Lào, lập quy hoạch KDL quốc gia Hồ Thác Bà

FLC đề xuất làm dự án đường sắt nối Thủ đô Lào với Vũng Áng; dự trù hơn 5.500 tỷ đồng làm đường vành đai 4 qua Bắc Ninh; chi hơn 13.600 tỷ đồng khép kín vành đai 2 TP HCM; khai thác sân bay Long Thành vào ngày Quốc khánh 2025; dự kiến khởi công cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 vào năm 2024; duyệt nhiệm vụ quy hoạch nhiều phường ở Sơn Tây... là những thông tin quy hoạch, thực hiện quy hoạch nổi bật trong tuần qua.

FLC đề xuất làm đường sắt nối Vũng Áng - Viêng Chăn (Lào)

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây đã chuyển đề xuất của Tập đoàn FLC về nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn (Lào) - Vũng Áng tới Chính phủ Lào.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào, đây là một trong những dự án trọng điểm được lãnh đạo Việt Nam và Lào quan tâm.

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ cùng với tuyến Mụ Giạ - Viêng Chăn (Lào) có chiều dài 550 km, trong đó chiều dài trên lãnh thổ Việt Nam đoạn từ Vũng Áng đến cửa khẩu Việt – Lào là 119 km.

Hoàn thành 638 km cao tốc trong 5 năm tới

Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến giao ban tình hình triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, dự án là công trình trọng điểm quốc gia, do vậy các bộ, ngành địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, không được để chậm tiến độ đã cam kết với Thủ tướng.

Nổi bật tuần qua: FLC muốn xây đường sắt sang Lào, khai thác sân bay Long Thành dịp Quốc khánh 2025, thêm 638 km cao tốc hoàn thành trong hai năm tới - Ảnh 1.

Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dự kiến hoàn thành trong năm nay. (Ảnh: TTXVN).

Cụ thể, năm 2022 hoàn thành các đoạn: Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây (dài 361,47 km); trong năm 2023 hoàn thành các đoạn: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, cầu Mỹ Thuận 2 (dài 149 km); và quý 1/2024 là các đoạn: Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dài 127,8 km).

Khai thách sân bay Long Thành vào dịp Quốc khánh năm 2025

Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm bàn giao phần diện tích 1.810 ha trong tháng 2/2022; bàn giao mặt bằng của toàn bộ dự án chậm nhất trong tháng 9/2022; bàn giao ngay các phần đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng yêu cầu ACV sớm triển khai các hạng mục công trình tại dự án sân bay Long Thành, hoàn thành công tác xây dựng trong quý I/2025, vận hành chạy thử trong 6 tháng, đưa vào khai thác chính thức vào dịp Quốc khánh 2/9/2025.

Đã trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi cầu Đại Ngãi và 4 cao tốc 

Tại buổi Giao ban tháng 2 diễn ra vào ngày 25/2, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Trí Đức cho biết đối với các dự án chuẩn bị đầu tư, đến nay, Bộ đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ba dự án quan trọng quốc gia là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; hai dự án nhóm A gồm cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, cầu Đại Ngãi.

Ngoài ra, Bộ cũng rà soát danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho từng nhiệm vụ, dự án trong hai năm 2022-2023 và từng năm thuộc phạm vi quản lý.

Theo ông Đức, lãnh đạo Bộ đã tổ chức họp định kỳ hàng tuần để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và triển khai cự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đến nay, cơ bản tiến độ thực hiện hai dự án được kiểm soát".

Kiến nghị chi hơn 13.600 tỷ đồng khép kín vành đai 2 TP HCM 

Sở Giao thông vận tải TP HCM vừa có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND TP HCM với kiến nghị bố trí 13.639 tỷ đồng ngân sách trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 (tương đương 80% tổng mức đầu tư dự án) để thực hiện hai đoạn của vành đai 2. Phần kinh phí còn lại khoảng 3.410 tỷ đồng sẽ cân đối bố trí ở giai đoạn 2026-2030.

Nổi bật tuần qua: FLC muốn xây đường sắt sang Lào, khai thác sân bay Long Thành dịp Quốc khánh 2025, thêm 638 km cao tốc hoàn thành trong hai năm tới - Ảnh 2.

Vành đai 2 còn khoảng 14 km đoạn chưa khép kín. (Nguồn: Zing).

Cụ thể, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài 3,5 km, tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.600 tỷ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng hơn 6.400 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây dựng.

Đoạn 2 từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,8 km, có tổng mức đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng là 5.515 tỷ đồng, còn lại là phí xây dựng.

Vành đai 4 qua Bắc Ninh sẽ có 4 làn cao tốc 

Theo tờ trình của UBND tỉnh Bắc Ninh gửi HĐND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có tổng chiều dài là 35,3 km, đi qua ba huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh.

Trong đó, đoạn tuyến vành đai 4 dài khoảng 25,6 km. Trong giai đoạn này đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

9,7 km còn lại là tuyến nối từ cuối dự án theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long đến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang dài khoảng 9,7km. Phân kỳ đầu tư đồng bộ toàn tuyến đảm bảo quy mô 4 làn xe.

Nổi bật tuần qua: FLC muốn xây đường sắt sang Lào, khai thác sân bay Long Thành dịp Quốc khánh 2025, thêm 638 km cao tốc hoàn thành trong hai năm tới - Ảnh 3.

Đồ họa: Justin Bùi.

Nội dung đầu tư thuộc trách nhiệm của tỉnh Bắc Ninh đối với đoạn qua địa bàn tỉnh gồm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với phần tuyến thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh (dự án thành phần 1 với vốn đầu tư 2.952 tỷ đồng) và đầu tư tuyến đường song hành hai bên theo quy mô của dự án được phê duyệt (dự án thành phần 2 với chi phí 2.629 tỷ đồng).

Duyệt nhiệm vụ quy hoạch nhiều phan khu ở Sơn Tây

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị phường Trung Hưng (khu 1 và khu 2), phường Phú Thịnh, phường Viên Sơn và phường Trung Sơn, thị xã Sơn Tây, tỷ lệ 1/2.000.

Cụ thể, phân khu đô thị phường Trung Hưng nằm phía tây trung tâm thị xã Sơn Tây; thuộc địa giới hành chính phường Trung Hưng, được lấy cảnh quan hai bên dự án sông Tích làm ranh giới phân chia Trung Hưng khu 1 (khoảng 434 ha) và Trung Hưng khu 2 (hơn 105 ha).

Phân khu đô thị phường Phú Thịnh nằm về phía bắc trung tâm thị xã Sơn Tây, có diện tích khảng 273,23 ha, dân số khoảng 13.460 người. Đây là khu vực phát triển đô thị, gắn với đô thị mới và cải tạo đô thị hiện tại, phát triển mới các không gian công cộng, không gian mở, thương mại điện tử, phát triển du lịch,....

Phân khu đô thị phường Viên Sơn nằm về phía đông trung tâm thị xã Sơn Tây, diện tích lập quy hoạch gần 297 ha, là khu vực phát triển đô thị có hệ thông cây xanh, hạ tầng, không gian văn hóa, xây dựng phát triển hỗn hợp.

Còn phân khu đô thị phường Trung Sơn Trầm nằm về phía nam thị xã Sơn Tây, có diện tích nghiên cứu lập quy hoạch hơn 360 ha, là khu vực phát triển đô thị có các dự án đô thị mới và cải tạo chỉnh trang. Ngoài ra, phân khu đô thị là cửa ngõ phía nam của đô thị vệ tinh Sơn Tây, là đầu mối trung chuyển giao thông đường bộ, đường sắt, BRT.

Đề xuất xây cầu cần Giờ, cầu Thủ Thiêm và 10 dự án khác ở TP HCM theo PPP

Sở Giao thông vận tải TP HCM vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND thành phố đề xuất một số nội dung cấp bách lĩnh vực giao thông, vận tải trình HĐND TP tại kỳ họp tháng 3 năm nay

Trong đó có danh mục 12 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 72.780 tỷ đồng, dự kiến triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) ở TP HCM được đề xuất bố trí kinh phí để làm công tác chuẩn bị đầu tư từ năm nay.

Trong 12 dự án có các công trình trọng điểm như: Xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài; đường song song quốc lộ 50; Tuyến đường trên cao số 1; Dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố... 10/12 dự án trong danh mục này dự kiến triển khai từ năm 2023. Riêng dự án cầu Cần Giờ (tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng) và cầu Thủ Thiêm 4 (5.300 tỷ đồng) nếu thuận lợi sẽ bắt đầu thi công từ năm 2024. Thời gian hoàn thành trong 4 năm.

Chuẩn bị khởi công cầu Rạch Miễu 2

Ngày 22/2, lãnh đạo tỉnh Bến Tre và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã chủ trì hội nghị triển khai công tác chuẩn bị khởi công xây dựng dự án cầu Rạch Miễu 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã thống nhất ngày khởi công dự án là 29/3/2022 và khởi công một lần, đồng thời, chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể để chuẩn bị cho lễ khởi công.

Nổi bật tuần qua: FLC muốn xây đường sắt sang Lào, khai thác sân bay Long Thành dịp Quốc khánh 2025, thêm 638 km cao tốc hoàn thành trong hai năm tới - Ảnh 4.

Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2 khi hoàn thành. (Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận).

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2, nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre  có tổng mức đầu tư trên 5.175 tỷ đồng. Cầu này cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8 km về phía thượng lưu.

Cây cầu có tổng chiều dài 17,5 km. Trong đó, đoạn phía bờ Tiền Giang khoảng 7,93 km kết nối vào ngã tư Đồng Tâm (giao giữa quốc lộ 1 với đường tỉnh 870) và phía bờ Bến Tre có chiều dài 9,68 km sẽ kết nối vào đường dẫn cầu Hàm Luông.

Duyệt nhiệm vụ quy hoạch khu du lịch Hồ Thách Bà

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Quy mô Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà rộng 53.000 ha, bao gồm toàn bộ diện tích mặt nước hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Theo quyết định, quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 có tính tích hợp, đồng bộ, kết hợp giữa phát triển du lịch và phát triển đô thị, nông thôn bền vững trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng – an ninh, an toàn hồ đập thuỷ điện, ứng phó với biến đổi khí hậu…

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.