Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Lào mới đây cho biết Tập đoàn FLC đã có văn bản đề xuất tham gia hợp tác nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn (Lào) - Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Đây là một trong những dự án trọng điểm được lãnh đạo hai nước quan tâm. Tại kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào và sự kiện hai Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp hai nước ngày 10/1/2022, hai bên đã thống nhất tập trung thúc đẩy để dự án sớm hoàn thành.
Theo cơ chế phối hợp giữa hai Ủy ban hợp tác hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chuyển văn bản đề xuất của FLC đến cho Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư của Lào để hai bên phối hợp, chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho FLC sớm gặp gỡ, trao đổi với đối tác phía Lào về khả năng hợp tác, nghiên cứu phát triển dự án.
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ cùng với tuyến Mụ Giạ - Viêng Chăn (Lào) có chiều dài 550 km, trong đó chiều dài trên lãnh thổ Việt Nam đoạn từ Vũng Áng đến cửa khẩu Việt – Lào là 119 km.
Trong buổi Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Lào gặp gỡ doanh nghiệp hai nước ngày 10/1/2022, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC đã bày tỏ đặc biệt quan tâm đến dự án đường sắt kết nối từ cửa khẩu Cha Lo thuộc tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) và tỉnh Tha Khaek (Lào) qua cảng Vũng Áng; cũng như triển khai các cơ sở hạ tầng du lịch cao cấp tại Lào ...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu thuần 6.772 tỷ đồng trong năm 2021, giảm một nửa so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 163 tỷ, giảm 61%.
Trong năm 2022, FLC đặt mục tiêu doanh thu 27.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.100 tỷ. Như thể hiện trong biểu đồ sau, đây là kế hoạch kinh doanh tham vọng nhất trong lịch sử tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Tổng tài sản của FLC tại ngày 31/12/2021 là hơn 33.787 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đóng góp hơn 9.700 tỷ, tương đương khoảng 29%.