Lợi nhuận năm 2021 đi lùi, FLC vẫn 'mạnh tay' chi hơn 4.000 tỷ đồng cho các khoản đầu tư

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh mà doanh thu, lợi nhuận của FLC đều lao dốc so với năm 2020. Trong năm, công ty đã đẩy mạnh đầu tư cho các đơn vị thành viên với tổng giá trị hơn 4.000 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với doanh thu thuần 1.167 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ.

FLC cho hay, sự sụt giảm này là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và do công ty không còn hợp nhất báo cáo tài chính của CTCP Hàng không Tre Việt nên doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất giảm.

Song, nhờ tiết giảm giá vốn, công ty vẫn ghi nhận lãi gộp 310 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 596 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh năm 2021 lao dốc, FLC vẫn mạnh tay chi tiền cho các khoản đầu tư - Ảnh 1.

Nguồn: Hiền Minh tổng hợp từ BCTC của FLC.

Doanh thu tài chính của FLC trong quý giảm 88% còn 444 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận khoản lỗ gần 320 tỷ đồng từ công ty liên kết. Do đó, công ty báo lỗ thuần 15 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 2.628 tỷ đồng.

Song, nhờ khoản lãi khác 67 tỷ đồng, FLC vẫn có lãi sau thuế 15 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm, FLC thu được 6.772 tỷ đồng doanh thu thuần và 84 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 50% và 73% so với năm 2020.

Năm 2021, FLC đặt mục tiêu lãi sau thuế gần 900 tỷ đồng. Như vậy, kết năm, công ty hoàn thành được 9,3% kế hoạch lãi.

Tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của FLC là 33.787 tỷ đồng, giảm 11% so với thời điểm đầu năm.

Quy mô tiền mặt của công ty 453 tỷ đồng, giảm 65%, chủ yếu giảm ở tiền và các khoản tương đương tiền.

Mặt khác, khoản đầu tư ngắn hạn vào chứng khoán kinh doanh đã tăng vọt từ 88 tỷ đồng lên 276 tỷ đồng. Các mã mà FLC đầu tư gồm AMD, HAI và KLF, đều là những mã cổ phiếu của các doanh nghiệp thành viên.

Công ty cũng tăng đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết, đồng thời tăng góp vốn vào các đơn vị khác, do đó, khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng hơn 2,3 lần so với đầu năm, đạt 4.940 tỷ đồng.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong năm 2021, FLC đã chi 4.154 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư, trong khi năm 2020 con số này là 93,6 tỷ đồng.

Giá trị tồn kho của công ty cũng giảm 20% còn 2.159 tỷ đồng, phần lớn là tồn kho bất động sản.

Ngược lại, giá trị xây dựng dở dang tăng 36%, ghi nhận 7.246 tỷ đồng. Các dự án có giá trị xây dựng cao nhất gồm Khu nghỉ dưỡng Quảng Bình (FLC Quảng Bình) (1.188 tỷ đồng), dự án FLC Premier Park (1.087 tỷ đồng), dự án Bình Định giai đoạn 2 (900 tỷ đồng),...

Về tình hình nợ của FLC, tổng nợ vay tài chính tại thời điểm cuối năm 2021 là 6.205 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm, phần lớn là các khoản vay từ ngân hàng và từ trái phiếu.

Trong năm, công ty đã tất toán hết khoản vay 2.878 tỷ đồng, trong đó 688 tỷ đồng là từ hai lô trái phiếu và 2.190 tỷ đồng là khoản vay của CTCP Hàng không Tre Việt, đơn vị liên kết của FLC.

chọn
Hình hài tuyến Vành đai 3 TP HCM đang xây dựng qua Thủ Đức
Tuyến vành đai 3 đi qua TP Thủ Đức dài khoảng 15 km, đi qua các phường bao gồm Long Trường, Trường Thạnh, Long Thạnh Mỹ và Long Bình. Gói thầu xây dựng tuyến Vành đai 3 qua TP Thủ Đức là gói thầu thứ 3 của dự án vành đai 3 TP HCM.