Luật sư của Trịnh Văn Quyết phủ nhận thân chủ phạm tội vì tiền

Hà NộiLuật sư của cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng thân chủ phạm tội vì muốn tăng thanh khoản mã cổ phiếu ROS, nâng cao hình ảnh công ty, "mục đích chính không phải là tiền".

Chiều 26/7, cựu chủ tịch FLC là người bị VKSND Hà Nội đề nghị mức án cao nhất trong 50 bị cáo: 19-20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 5-6 năm về tội Thao túng thị trường chứng khoán. Hình phạt tổng hợp bị đề nghị 24-26 năm tù.

Bào chữa cho thân chủ 49 tuổi, luật sư Trần Nam Long nói với tội danh Thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi hơn 700 tỷ đồng, mục chính của ông Quyết "không phải là tiền".

"Thực tế, các công ty có cổ phiếu niêm yết có thanh khoản cao, giá trị lớn thì hình ảnh và uy tín được nâng cao, từ đó tạo lợi thế kinh doanh trên thị trường", luật sư Long bào chữa và cho rằng nếu xét cả quá trình trước và sau giai đoạn bị kết luận là thao túng, ông Quyết "có thể không thu lợi mà còn bị lỗ", do phải bỏ tiền trong thời gian dài để duy trì thanh khoản cho thị trường.

Gần 100 luật sư đăng ký bào chữa cho 50 bị cáo, riêng ông Quyết có 4 người. (Ảnh: Danh Lam).

Số tiền hơn 700 tỷ đồng ông Quyết bị cáo buộc "thu lợi" từ hành vi này, theo luật sư cũng cần "xem xét lại" với lập luận "đặc thù của hành vi thao túng thị trường chứng khoán, việc mua bán cổ phiếu diễn ra liên tục, dòng tiền liên tục luân chuyển trong tài khoản chứng khoán, đôi khi không thể phân tách".

Theo luật sư, trong chứng khoán chỉ khi người phạm tội rút tiền ra khỏi tài khoản chứng khoán để sử dụng cho mục đích khác thì mới coi là đã thực sự thu lợi. Còn ông Quyết cho đến khi bị bắt, phần lớn cổ phiếu "trị giá 4.800 tỷ" vẫn nằm trong tài khoản chứng khoán, hiện bị phong tỏa.

Phủ nhận ý định lừa đảo của thân chủ, luật sư Long viện dẫn ông Quyết đã không bán cổ phiếu ROS khi đạt đỉnh giá 214.000 đồng/cổ phiếu mà mua khi chỉ còn 2.000-3.000 đồng.

"Hơn nữa Faros là công ty thực sự có hoạt động kinh doanh, doanh thu năm 2017-2019 đạt 1.100-2.200 tỷ đồng, với hơn 1.000 nhân sự", luật sư nói trong phần bào chữa.

Luật sư: Chỉ có 133 người "đủ tiêu chí" là bị hại

Cáo trạng nêu vụ án có hơn 30.000 bị hại, song luật sư Vũ Đặng Hải Yến khi nêu quan điểm bảo vệ ông Quyết đã cho rằng chỉ 133 người mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện chưa bán mới đáp ứng các tiêu chí về bị hại. Những người đã bán không thể được coi là bị hại.

Dẫn chứng kết quả tra cứu ngẫu nhiên, luật sư Yến nêu 5 trường hợp bị hại đã bán cổ phiếu ROS và lãi hàng trăm triệu đồng, qua đó cho rằng khả năng có lãi của 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu "là rất lớn".

Ông Trịnh Văn Quyết bị VKS đề nghị mức án 24 - 26 năm, cao nhất trong 50 bị cáo. (Ảnh: Ngọc Thành).

Do sau khi ông Quyết bán cổ phiếu ROS ban đầu ra thị trường, giá "tăng liên tục trong một thời gian dài", từ tháng 7 đến 12/2021, từ giá ban đầu 2.000 đồng/cổ phiếu, lên 13.600 đồng/cổ phiếu. Theo luật sư, những bị hại mua ROS ban đầu và bán trong giai đoạn tăng giá đều đã có lãi nên không thể coi là bị hại. Nhiều bị hại trong danh sách hơn 30.000 người này còn bị trùng lặp hoàn toàn về nhân thân và địa chỉ, do đó thực tế, con số bị hại chắc chắn ít hơn cáo trạng nêu.

Với lập luận bào chữa trên, luật sư Yến đề nghị HĐXX chỉ công nhận tư cách của 133 bị hại với tổng số tiền thiệt hại thực tế hơn 2,2 tỷ đồng.

Về hơn 3.620 tỷ thân chủ bị quy kết hưởng lợi, theo luật sư Yến không thể xem đây là khoản chiếm đoạt của các nhà đầu tư mà chỉ là "hưởng lợi không ngay tình".

Luật sư Yến cho rằng do chỉ có 133 bị hại với số tiền bị thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng, ông Quyết đã hoàn thành nghĩa vụ bồi thường. So sánh với vụ án tại tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị TAND Hà Nội xét xử hồi tháng 3, luật sư Yến nói thân chủ cũng cần được áp dụng "khoan hồng đặc biệt" như cha con ông Đỗ Anh Dũng, những người khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án (hơn 8.600 tỷ đồng) và lĩnh án 3-8 năm.

Trình bày sau đó, luật sư Lê Ngọc Hà cho hay 88 bị hại nhận đủ tiền bồi thường và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Quyết và các bị cáo khác. Nhiều địa phương cũng có công văn ghi nhận đóng góp của các dự án do ông Quyết chỉ đạo vào sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, qua đó xin giảm án cho bị cáo này.

Trình bày sau cùng, luật sư Phạm Đức Giang nói anh vợ của ông Quyết bày tỏ nguyện vọng nộp thêm 15 tỷ đồng khắc phục thay, vì thế đề nghị HĐXX ghi nhận nỗ lực khắc phục hậu quả của thân chủ và gia đình.

Tại bản luận tội công bố chiều nay, ông Quyết bị VKS đánh giá là chủ mưu toàn vụ án, với các hành vi phạm tội "mới và rất tinh vi, lợi dụng sơ hở của pháp luật, sử dụng công ty Faros làm công cụ và sàn HoSE làm phương tiện" để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, hơn 4.300 tỷ đồng.

Hiện, ông được VKS ghi nhận đã khắc phục khoảng 237 tỷ đồng, số tiền bị cơ quan công tố đánh giá là "không đáng kể".

Trong phiên tòa chiều nay, 6 luật sư bào chữa cho hai em gái của ông Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (bị VKS đề nghị 17-19 năm) và Trịnh Thị Thúy Nga (bị đề nghị 10-12 năm tù) đều cho rằng hai nữ bị cáo chỉ thực hiện theo yêu cầu anh, không bàn bạc, hưởng lợi, do đó mức án VKS đề nghị "còn quá nặng".

Theo quan điểm của các luật sư này, bà Huế với vai trò kế toán tập đoàn FLC, không thể "chỉ đạo" các giám đốc doanh nghiệp khác ký tài liệu hoặc làm theo ý muốn của mình. Bà Nga, Huế thực hiện hành vi phạm tội "theo chỉ thị cao nhất của ông Quyết".

Luật sư bào chữa rằng tại phiên toà những bị cáo là cựu cán bộ thuộc FLC hoặc các công ty liên quan vụ án (BOS, Faros) đều khai bà Huế không "chỉ đạo" họ mà chỉ "nhờ" ký tài liệu, nhờ mượn chứng minh nhân dân để mở tài khoản chứng khoán.

Bị cáo Nga cũng được luật sư bào chữa theo hướng dù là thành viên Ban lãnh đạo Công ty Chứng khoán BOS song không được bàn bạc, trao đổi, không được hưởng lợi. "Việc ông Quyết và bà Huệ mở 500 tài khoản chứng khoán và dùng nó để mua qua bán lại cổ phiếu, thao túng thị trường, Nga không biết", luật sư trình bày.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Tag:
chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.