Tags

Quy hoạch tổng thể quốc gia

Tìm theo ngày
Thông tin Quy hoạch tổng thể quốc gia mới nhất

Thông tin Quy hoạch tổng thể quốc gia mới nhất

Quy hoạch tổng thể quốc gia giúp tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục các mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh, bên cạnh đó cũng góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Những nội dung chính của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chính phủ đã cho ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP vào ngày 4/10/2020, nội dung đề cập đến việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nội dung chính của quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được thực thi theo các quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019, trong đó có quy định thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, gồm có:

- Phân tích các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia: Các phân tích, đánh giá phải bảo đảm xác định và đo lường được tác động của các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia.

- Dự báo xu thế phát triển và xây dựng kịch bản phát triển: Các phân tích, đánh giá phải bảo đảm xác định được các xu thế có ảnh hưởng hay tác động trực tiếp, gián tiếp đến định hướng và không gian phát triển của quốc gia.

- Xác định quan điểm và mục tiêu phát triển gồm có:

+ Quan điểm về phát triển quốc gia trong thời kỳ quy hoạch;

+ Quan điểm về tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường;

+ Xây dựng mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể về phát triển quốc gia.

- Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội: Xác định những vùng trọng điểm đầu tư, các vùng khuyến khích phát triển và các vùng hạn chế phát triển; xác định những khu vực lãnh thổ cần bảo tồn hoặc cấm khai thác sử dụng; định hướng phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong thời kỳ quy hoạch.

- Định hướng phát triển không gian biển.

- Định hướng khai thác và sử dụng vùng trời.

- Định hướng sử dụng đất quốc gia.

- Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.

- Định hướng phân vùng và liên kết vùng.

- Định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia.

- Định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia.

- Định hướng phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Định hướng bảo vệ môi trường.

- Định hướng sử dụng tài nguyên quốc gia.

- Danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện.

- Xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 10 tháng 8 năm 2022, thủ tướng chính phủ đã ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là hội đồng thẩm định). Quyết định gồm những nội dung chính như sau:

Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định:

Tổ chức thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Hội đồng thẩm định gồm có: Chủ tịch Hội đồng thẩm định, các thành viên Hội đồng thẩm định,Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định và Chuyên gia phản biện.

Thành phần Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm

Chủ tịch Hội đồng thẩm định là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

Các thành viên Hội đồng thẩm định bao gồm:

- Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Y tế, Giao thông vận tải, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thể thao và Du lịch, Văn hóa, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo.

- Tổng Thanh tra Chính phủ;

- Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;

- Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội;

- Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;

- Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng;

- Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Nghệ An.

Các chuyên gia phản biện với tư cách là Ủy viên Hội đồng thẩm định gồm có:

- Chuyên gia phản biện quy hoạch, bao gồm: Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ; Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Học; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lã Ngọc Khuê; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hồ; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương; Tiến sĩ Cao Viết Sinh; Tiến sĩ Dương Đình Giám; Tiến sĩ Đặng Kim Sơn.

- Chuyên gia phản biện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch, bao gồm: Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Hoa;Tiến sĩ Hoàng Văn Thắng; Tiến sĩ Phạm Khang.

Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định được sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở trong quá trình hoạt động.

Hội đồng thẩm định hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội quyết định.

Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định được bố trí trong chi phí lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật Việt Nam.